Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Hoàng Thị Huệ - từ người bán bưu thiếp ở Hà Nội đến chủ nhân nhà hàng Việt Nam ở Úc

Pending Approval

Huệ sinh năm 1985 ở một vùng nông thôn Việt Nam. Bố cô đã đi đánh Pol Pot ở Campuchia và đã đổ bệnh vì chất độc Da cam khi Huệ 12 tuổi. Là chị cả trong ba chị em, Huệ muốn bỏ học để kiếm tiền trang trải chi tiêu trong gia đình và chăm sóc bố nhưng bố mẹ và thầy cô đã thuyết phục cô tiếp tục đến trường. Thế nhưng không lâu sau, gia đình cô đã phải bán gần hết đồ đạc và hết tiền tiêu, vì thế, ở tuổi 13, Huệ phải tự mình ra Hà Nội kiếm việc làm.

Bắt đầu từ những con phố

May là Huệ có người chị họ ở Hà Nội, vì thế, cô có thể bán hàng ở sạp hàng trên phố cùng chị họ khi vừa lên Hà Nội. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh sống thay đổi, chẳng bao lâu sau, Huệ đã cùng những đứa trẻ khác đi bán bưu thiếp trên phố cho khách du lịch.

Một thời gian sau đó, Huệ tiếp cận một người phụ nữ nước ngoài trên phố và cố gằng chèo kéo mua bưu thiếp. Người phụ nữ này từ chối và quay đi nhưng một lát sau lại quay trở lại và mua mấy bưu thiếp. Người phụ nữ đó là Tracey Lister, người đã cùng anh Jimmy Phạm, một đồng hương người Úc, gây dựng trung tâm đào tạo của KOTO – một doanh nghiệp xã hội chuyên ngành lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. “Cô bé hỏi tôi có muốn mua bưu thiếp không và khi tôi trả lời không, cô bé liền quay đi mà không mời chào thêm. Tôi hiểu cô bé sẽ không thể trụ lâu với việc bán bưu thiếp” – chị Tracey kể.

Lo lắng cho cô gái trẻ, Tracey đã sớm quay trở lại cùng với Jimmy. “Tôi nghĩ anh ấy là người phiên dịch!”- Huệ nói. “Họ mời tôi uống trà ở phố Nhà Thờ và nói với tôi về KOTO. Tôi cảm thấy nghi ngờ vì họ nói với tôi rằng tôi có thể sẽ được trả tiền để đi học”. Nhưng Huệ đã tới địa điểm ở phố Văn Miếu – nơi ngày nay vẫn là nhà hàng của KOTO – và lập tức trở về nhà để làm hồ sơ. Tuy nhiên, cô bé còn quá nhỏ để được đào tạo và đã phải quay lại kiếm sống trên đường phố. Tuy nhiên, 6 tháng sau, họ đã cử người đi tìm cô và mời cô tham gia lớp học.

Huệ nhớ lại rằng giảng viên của lớp học nói rằng em quá nhỏ để làm việc trong bếp, thế nên “Em bị đưa đi khám sức khoẻ tại Trung tâm Y tế SOS và trong lần đầu tiên trong đời được cân, em nặng có 36kg. Không nghi ngờ gì nữa, em đúng là quá nhỏ để làm việc ở bếp!”. Vì thế Huệ đã tham gia khoá đào tạo về lễ tẫn (đứng quầy) đầu tiên của KOTO vào năm 2001 và tốt nghiệp vào năm sau đó.

Vì Huệ vẫn quá nhỏ để làm việc tại khách sạn – nơi mà hầu hết học viên KOTO bắt đầu sự nghiệp  của mình – cô bắt đầu đi làm với cương vị người giám sát FOH tại nhà hàng của KOTO và đến năm 2005, trở thành người huấn luyện FOH ở trung tâm đào tạo.

Nước Úc vẫy gọi

Huệ lần đầu tiên đến Úc vào năm 2004. Cùng với Jimmy và Hà – một học sinh khác cũng tốt nghiệp Khóa 1 từ KOTO, Huệ đã đi vòng quanh 5 bang của nước Úc để gây quỹ. Cô quay trở lại Úc vào năm 2009 theo học bổng từ Học viện Box Hill, nơi cô tốt nghiệp Chứng chỉ Quản lý Khách sạn nâng cao. Sau khi sinh con đầu lòng, năm 2011, Huệ dành được học bổng thứ hai, và lần này, cô theo học ngành Lãnh đạo và Quản trị tại trường Đại học La Trobe ở thành phố Melbourne. Việc học bổng bị dừng buộc Huệ phải nghỉ học để đi làm, và cô đã tới làm việc tại một nhà hàng ở Echuca, gần Moama tại bang Victoria.

Sau khi tốt nghiệp, Huệ rất hạnh phúc khi được đoàn tụ với con trai tại Úc. Con trai Huệ trước đó sống cùng ông bà tại Việt Nam. ‘Đó là một quãng thời gian khó khăn’ cô nhớ lại. Sau khi trở thành thường trú nhân tại Úc, Huệ thấy được cơ hội mở nhà hàng tại Echuca. Sen on Madison là một khu nghỉ dưỡng tại thị trấn, trong đó có một nhà hàng. Cùng với Nhung và Vân, những người bạn học tại KOTO, và Shane – một đầu bếp tốt nghiệp từ học viện Cordon Bleu mà Huệ gặp tại Khách sạn Sofitel ở thành phố Melbourne, cô đã thuê lại nhà hàng này và mở cửa nhà hàng với thực đơn các món ăn Việt Nam vào năm 2017. Thực đơn này tập trung vào các món ăn thuần Việt, như bún chả, bún bò, nem Hà Nội, phở xào và thịt heo quay. Vào năm 2018, Huệ cùng gia đình mở nhà hàng Sen Express, chuyên về ẩm thực đường phố Việt Nam và nước hoa quả.

Trao đi

Huệ giữ liên lạc thân thiết với Jimmy, Tracey cùng những người bạn khác từ KOTO, và vẫn tiếp tục ủng hộ doanh nghiệp xã hội này. Vào năm 2018, Sen on Madison tổ chức buổi gây quỹ cho dự án Lãnh đạo trẻ của KOTO và kêu gọi được 10.000 đô la Úc, nhờ vào mối liên hệ giữa Huệ và lãnh đạo, doanh nghiệp và các trường học địa phương. Ban giám đốc của KOTO cũng đã đến thăm nhà hàng từ thành phố Melbourne.

Nhà hàng cũng hỗ trợ một trung tâm sống và thư giãn của địa phương dành cho người tàn tật bằng cách quyên góp thực phẩm cho quỹ từ thiện này bán để tạo ra thu nhập. Nhà hàng còn cung cấp phiếu giảm giá cho các sự kiện gây quỹ.

Vượt qua các thử thách

Sen on Madison giờ đã trở thành một nhà hàng nổi tiếng tại Echua, Moama, thu hút cả người dân địa phương và khách du lịch. Tuy nhiên, một trong những thử thách lớn mà nhà hàng phải vượt qua đó là sự thiếu hiểu biết về ẩm thực Việt Nam tại thị trấn nhỏ này. Những người dân địa phương đã quen với phong cách ẩm thực Trung Quốc, vì vậy, họ kỳ vọng đồ ăn của nhà hàng cũng như vậy: điều này chỉ có thể thay đổi thông qua việc giới thiệu thêm về ẩm thực Việt Nam. Huệ và nhân viên nhà hàng đã vượt qua thử thách này bằng cách giới thiệu những hình ảnh về hương vị và nguyên liệu cho mỗi món ăn.

Tìm kiếm nguyên liệu cũng là một thử thách. Echuca là khu vực nông thôn, vì vậy thiếu những sản phẩm Châu Á, ví dụ như các loại rau thơm mà đầu bếp cần để sản xuất những món ăn đa hương vị. Các sản phẩm rau củ quả và đồ khô chỉ có thể tìm thấy được ở ngoài thị trấn, cách 200km tại Melbourne, Bendigo và những thành phố lân cận khác.

Một thử thách khác chính là mùa vắng khách, khi mà khách du lịch giảm và người dân địa phương thường rời đi vào mùa đông. Nhà hàng vẫn đang tìm cách tốt nhất để vượt qua thách thức này.

Tương lai sẽ ra sao?

Mùa đông tuy là mùa vắng khách của nhà hàng, nhưng lại là khoảng thời gian để lên kế hoạch. Vậy tương lại mà Huệ đặt ra cho nhà hàng là gì? ‘Tôi muốn giới thiệu ẩm thực Việt Nam tới những người ở ngoài Echuca. Nhưng tôi vẫn muốn tập trung vào những khu vực nông thôn, nơi có ít sự cạnh tranh và mọi người thường trung thành với các nhà hàng quen thuộc,’ Huệ nói. Vậy còn kế hoạch cá nhân? ‘Tôi muốn con trai tôi được hưởng nền giáo dục tốt hơn, điều mà tôi không có cơ hội trải nghiệm khi tôi còn trẻ.’

Về HER TURN

Chính phủ Australia tự hào hỗ trợ các dự án của KOTO tại Việt Nam thông qua việc cung cấp tài trợ và tình nguyện viên, và phối hợp thúc đẩy khu vực Giáo dục và Đào tạo Nghề. Vào tháng 5/2016, KOTO đã nhận được 25.000 đô la từ Bộ Ngoại giao và Thương mai Australia để đào tạo nghề du lịch cho 5 thanh niên nữ đến từ các nhóm dân tộc thiểu số. Các học sinh đã tốt nghiệp vào tháng 11/2018 và giờ đang đi làm tại các nhà hàng và khách sạn tại Hà Nội. Tiếp nối sự thành công của dự án này, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã tiếp tục tài trợ 250.000 đô la cho một dự án dài 3 năm của KOTO với tên gọi HER TURN (2019 – 2021). Dự án này sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề và phát triển các kỹ năng khởi nghiệp cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số tại Việt Nam.