Chương trình phát triển của Chính phủ Australia
Phụ nữ dân tộc Dao đang làm việc trong nhà máy chế biến chè tại Bắc Hà, Lào Cai
Lĩnh vực hoạt động
Ước tính tổng vốn ODA của Australia năm 2023-24 là 95,1 triệu đô-la Úc, bao gồm:
Hỗ trợ song phương: 63,2 triệu đô-la
Quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam đã mở rộng sang các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế và kết nối nhân dân. Người Australia có gốc Việt Nam là cộng đồng nhập cư lớn thứ sáu tại Australia, trung bình một năm có khoảng 30,000 sinh viên Việt Nam du học tại các cơ sở đào tạo ở Australia. Việt Nam là một trong bốn đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của Australia và chiếm vị trí trung tâm trong an ninh khu vực ở Đông Nam Á. Sự phát triển mạnh hơn của Việt Nam trở thành đối tác mạnh về thương mại và đầu tư có vai trò quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Australia và sự thịnh vượng trong khu vực.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua, tuy nhiên, vẫn đối mặt với một số rủi ro trong trung hạn. Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng; cần đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế sâu hơn nhằm duy trì tăng trưởng của khối tư nhân. Bất bình đẳng vẫn là một thách thức, với 9,3 triệu dân (chiếm 9,8% dân số) đang sống dưới chuẩn nghèo quốc gia (theo Ngân hàng thế giới, 2016), đặc biệt là nữ giới và người dân tộc thiểu số. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có khoảng cách về thu nhập giữa nam và nữ tăng lên trong thập kỷ qua. Đồng bào dân tộc thiểu số chưa được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế một cách bình đẳng mặc dù họ chỉ chiếm 15% tổng dân số nhưng chiếm hơn một nửa tổng số người nghèo.
Chiến lược phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam (SEDS) 2021-30 đề ra các chính sách quốc gia tổng thể nhằm giải quyết những thách thức này.
Australia tiếp tục cam hết hợp tác phát triển với Việt Nam. Mối quan hệ đối tác nồng ấm giữa hai quốc gia thể hiện rõ rệt qua việc Australia tiếp tục thúc đẩy các nguồn lực nội lực của Việt nam cũng như đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, và hỗ trợ Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển kinh tế mới. Australia sẽ tiếp tục giúp Việt Nam đạt các mục tiêu chung có tính bao trùm, đó là thúc đẩy sự thịnh vượng và giảm nghèo ở Việt Nam bằng cách khuyến kích khu vực tư nhân, nâng cao trình độ chuyên môn của lực lượng lao động và hỗ trợ tăng trưởng bao trùm.
Chương trình viện trợ của Australia được thiết kế theo ba mục tiêu, có tác động qua lại, tham khảo Kế hoạch ứng phó với Covid-19.
Các thành viên của chương trình Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo 2 đến thăm Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội để tìm hiểu cách hỗ trợ tốt hơn cho người khuyết tật
An ninh y tế
Để tăng cường an ninh y tế, chúng tôi sẽ hỗ trợ thúc đẩy hệ thống y tế Việt Nam có sức chống chịu tốt hơn, có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ y khi có dịch bệnh trong tương lai, đặc biệt là các đợt bùng phát COVID-19. Các chương trình y tế toàn cầu sẽ giúp củng cố các hệ thống y tế của Việt Nam, mở rộng tiếp cận các sản phẩm y tế với chi phí thấp hơn và giải quyết gánh nặng từ các bệnh chính bao gồm bệnh lao và sốt rét. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tiếp cận vắc xin COVID 19 một cách công bằng, an toàn và hiệu quả tại Việt Nam thông qua hỗ trợ tài chính, đánh giá, phân phối và giám sát COVID-19 được thực hiện bởi các chương trình đa phương và khu vực. Qua các sáng kiến khu vực, Australia cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ sức khỏe sinh sản và tình dục. Chúng tôi sẽ đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ các phương pháp tiếp cận y tế mới tại Việt Nam, bao gồm thử nghiệm trí tuệ nhân tạo trong ứng phó COVID-19.
Chúng tôi sẽ tăng cường kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia y tế, lực lượng an ninh và các tổ chức nghiên cứu của Australia và Việt Nam thông qua cung cấp các suất học bổng về y tế, xác định y tế là lĩnh vực ưu tiên trong các chương trình học bổng Chính phủ Australia, và kết nối các nỗ lực nghiên cứu khoa học thông qua CSIRO, Trung tâm Ứng phó Dịch bệnh Australia và Trung tâm An ninh y tế Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Các cơ quan thực thi pháp luật và lực lượng quốc phòng Australia sẽ tiếp tục trao đổi thông tin với Việt Nam nhằm tăng cường an ninh y tế. Australia sẽ đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 thông qua các cuộc đối thoại và diễn đàn của ASEAN. Australia sẽ trao đổi kiến thức với các cán bộ biên phòng về việc mở lại biên giới khi tình hình y tế được cải thiện.
Chuyến thăm cảng Cát Lái và cảng Cái Mép của Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics
Sự ổn định
Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường thể chế và đào tạo các nhà lãnh đạo tiềm năng, giúp họ đương đầu tốt hơn với những thách thức có thể xảy ra trong lai trong khu vực. Trung tâm Việt-Úc (VAC) mới được thành lập, đặt tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhằm đạt được mục tiêu này. VAC sẽ thúc đẩy hợp tác về kỹ năng lãnh đạo và đổi mới sáng tạo nhằm giúp các chuyên gia Việt Nam và Úc đưa ra giải pháp cho những thách thức chung trong khu vực và bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Chương trình an ninh mạng của Australia sẽ hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức và tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực kỹ thuật số đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Australia sẽ thúc đẩy giáo dục nhân quyền và hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước và các cơ sở giáo dục của Việt Nam nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Chúng tôi sẽ hỗ trợ nâng cao hành vi kinh doanh có trách nhiệm thông qua tăng cường năng lực và nhận thức về quyền con người cho các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo tiềm năng.
Australia sẽ hỗ trợ ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo bình đẳng giới là trung tâm của các nỗ lực phục hồi và thúc đẩy phục hồi kinh tế có sự tham gia của nhiều thành phần. Chúng tôi sẽ tổ chức các khóa đào tạo nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật tại Việt Nam, bao gồm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực an ninh. Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực của toàn bộ chính phủ nhằm giảm tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực.
Australia sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đương đầu với áp lực về tái cơ cấu nhằm phục hồi kinh tế nhanh chóng, bao gồm tăng cường an ninh lương thực, năng lượng và nước. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quy hoạch sử dụng tài nguyên và phân phối nước, có tập trung lồng ghép giới. Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia sẽ tiếp tục thúc đẩy kết nối nghiên cứu và cung cấp các khoản tài trợ nhằm hỗ trợ khả phục hồi nông nghiệp.
Các sinh viên nhận Học bổng Chính phủ Australia Awards và Học bổng chính phủ Australian Awards dành cho các nước ASEAN chụp ảnh chung với Đại sứ Australia tại Việt Nam trong buổi gặp gỡ trước khi lên đường, tháng 11/2018
Phục hồi kinh tế
Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, Australia sẽ cung cấp tư vấn chính sách có mục tiêu cho các nhà lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế nhằm giúp cải cách chính sách và môi trường kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đầu tư công và tư nhân. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Điều này bao gồm phát triển kỹ năng, đặc biệt là thông qua giáo dục và đào tạo nghề, cho lực lượng lao động trong tương lai.
Australia sẽ hỗ trợ phát triển các hội đồng kỹ năng ngành, tăng cường các tiêu chuẩn quản trị đại học và giáo dục, đồng thời đảm bảo chất lượng các cấp giáo dục cao hơn, bao gồm cung cấp các hóa học trực tuyến. Chúng tôi sẽ tăng cường quan hệ đối tác song phương về hệ thống đổi mới sáng tạo, chuẩn bị sẵn sàng để tiếp cận các ngành tăng trưởng tiềm năng và xử lý các cú sốc trong tương lai. Chúng tôi sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam nhanh chóng tiếp cận nguồn tài chính dành cho cơ sở hạ tầng chất lượng cao để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Australia sẽ hỗ trợ các cán bộ trong lĩnh vực thương mại và hải quan của Việt Nam mở lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn do đại dịch và thực hiện các cam kết thương mại. Bộ Nông nghiệp, Nước và Môi trường Australia sẽ hỗ trợ an ninh sinh học trong thương mại các sản phẩm động thực vật với Việt Nam.
Austrade sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Australia giao thương và tăng cường kết nối với các đối tác Việt Nam. Chúng tôi sẽ cùng với Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam tiếp tục là cơ quan đại diện và thúc đẩy lợi ích của các doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam.
Australia cũng đang tăng cường trao quyền kinh tế cho phụ nữ bằng cách khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động và chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này bao gồm hỗ trợ nông dân, các nhà cung cấp dịch vụ logistics và các nhà điều hành du lịch của Việt Nam khôi phục và cải thiện sinh kế cho họ, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và người dân thiểu số lãnh đạo.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, sẽ là chủ đề xuyên suốt trong các cam kết hỗ trợ của Australia tại Việt Nam. Australia sẽ phối hợp với các đối tác giải quyết vấn đề bạo lực gia đình tại Việt Nam và đảm bảo rằng phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật không bị bỏ lại phía sau trong các nỗ lực phục hồi kinh tế. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quyền con người nhằm tăng cường sự gắn kết xã hội và thúc đẩy quyền cho những người dễ bị tổn thương. Các cơ quan thực thi pháp luật của Australia sẽ hợp tác với Việt Nam nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em gia tăng do COVID-19.
Thành viên Hợp tác xã Hợp Thành – Thanh Vận, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn giới thiệu sản phẩm làm từ chuối, năm 2019
Kết quả đạt được
- Australia đã chia sẻ hơn 26,5 triệu liều vắc xin COVID-19 cho Việt Nam để hỗ trợ các đợt triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên toàn quốc. Thông qua UNICEF, chúng tôi đã mua sắm và phân phối 1.910 tủ lạnh lưu trữ vắc-xin cho các cộng đồng vùng sâu, vùng xa và khó tiếp cận; hỗ trợ đào tạo 5.823 nhân viên y tế, giảng viên của các trường đại học y và sĩ quan quân đội để hỗ trợ triển khai tiêm chủng vắc-xin an toàn và hiệu quả; đồng thời cung cấp tài liệu truyền thông về tiêm phòng COVID-19 cho 20.000 điểm tiêm chủng trên cả nước.
- Kể từ năm 2000, Australia đã hỗ trợ hơn 650 triệu đô-la Australia viện trợ không hoàn lại cho Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, dự án Cầu Cao Lãnh (trị giá 160 triệu đô la Australia, 2011-20) là hoạt động đầu tư đơn lẻ lớn nhất của Australia trên khu vực đất liền Đông Nam Á, hoàn thành vào tháng 5/2018, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế mới cho 5 triệu dân sinh sống tại khu vực lân cận, với ước tính khoảng 170.000 người sử dụng đường bộ mỗi ngày.
- Kể từ năm 1974, hơn 6.000 cán bộ lãnh đạo và quản lý của Việt Nam đã được hỗ trợ sang học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn tại Australia.
- Hơn 80.000 cựu sinh Việt Nam trong mạng lưới cựu sinh toàn cầu của Australia, tiếp tục được Australia hỗ trợ phát triển kỹ năng cá nhân và chuyên môn nhằm tăng cường hơn nữa đóng góp của họ cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
- Số lượng sinh viên nhập học ngành logistics tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tăng tám lần kể từ khi Aus4Skills bắt đầu hỗ trợ vào năm 2017. Mô hình giáo dục nghề nghiệp với sự dẫn dắt của doanh nghiệp được triển khai thành công trong ngành logistics sẽ là cơ sở để Việt Nam áp dụng cho các lĩnh vực khác.
- Chương trình Aus4Equality đã hỗ trợ 15.378 phụ nữ tăng thu nhập, trong đó hầu hết là người dân tộc thiểu số, và 1.963 phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại các nhóm cộng đồng.
- Thông qua các chiến dịch truyền thông, nâng cao năng lực cho các tư vấn viên và đường dây nóng mới, hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em đã được hỗ trợ thoát khỏi các hành vi bạo lực gia đình.
- 22 công ty với 188.000 nhân sự đã nâng cao bình đẳng giới nhờ xây dựng chính sách nội bộ về lãnh đạo có sự tham gia của nhiều thành phần, làm việc linh hoạt và chống quấy rối.
- Tóm tắt các thông lệ quốc tế tốt nhất về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ Chiến lược quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, thiết lập nền tảng pháp luật quan trọng cho hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
- Chương trình Aus4Transport thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư là đòn bẩy tài chính cho ba dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng mức đầu tư 446 triệu đô-la Mỹ từ vốn vay của các nhà tài trợ đa phương và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
- Thông qua Quan hệ Đối tác Chiến lươc Australia – Ngân hàng thế giới, Australia đã có đóng góp nâng cao chất lượng cho 42 chính sách tại Việt Nam, bao gồm Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2021-25, sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Tăng trưởng xanh 2021-30, Chiến lược Phát triển Giáo dục Nghề nghiệp 2021-30, và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
- Báo cáo PAPI và những thảo luận Chuyên đề liên quan đã cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước đánh giá hiệu quả quản trị và các chính sách. Đến tháng 12 năm 2021, tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam đã chủ trì tổ chức hội thảo PAPI và 30 tái cam kết cải thiện hiệu quả quản trị của mình.
Các tài liệu có liên quan
Tài liệu về các chương trình dự án
-
Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp
-
Quan hệ đối tác chiến lược Australia – Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Giai đoạn 2