Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng ở Australia và Việt Nam đang hợp tác để chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm nhằm tăng cường sản xuất năng lượng xanh, đảm bảo nguồn cung năng lượng và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sáng kiến Tương lai ngành điện Việt Nam (FE-V) được Chính phủ Australia ra mắt hôm nay với sự hỗ trợ của Ban Kinh tế Trung ương (Ban KTTW) sẽ tăng cường liên kết giữa các cơ quan năng lượng và khí hậu của hai quốc gia, đồng thời tập trung vào việc nâng cao kiến thức chuyên môn và hiệu quả trong Nguồn phát điện, Nhiên liệu cho phát điện, Lưới điện, Thị trường điện và Nhu cầu điện. Sự kiện này diễn ra sau chuyến thăm chính thức thành công của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, với một trong những chủ đề trọng tâm là chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam và Australia.
FE-V sẽ là cầu nối để Australia xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài và tin cậy hơn trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam trong thời gian tới. Đáng chú ý, hôm qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố - nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam - khoản hỗ trợ 105 triệu AUD - nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, trong đó chuyển dịch năng lượng là lĩnh vực then chốt.
Trong bài phát biểu khai mạc tại diễn đàn đối thoại chính sách FE-V đầu tiên, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, hoan nghênh mối quan hệ đối tác ngày càng mở rộng của hai nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng.
“Australia cũng chia sẻ những thách thức và khát vọng giống như Việt Nam trong việc đảm bảo dịch vụ ngành điện bền vững, an toàn và công bằng để tạo tiền đề cho phát triển thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế. Cả hai nước đều đang đẩy nhanh khát vọng chuyển dịch năng lượng – Australia đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 80% năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu điện năng đến năm 2030 và chúng tôi đang đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp lưới điện cũng như điều phối tốt hơn các cải cách thị trường trên toàn lãnh thổ” – Đại sứ Goledzinowski chia sẻ.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra nhiều mục tiêu phát triển xanh và bền vững trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) phù hợp với các cam kết tại COP26, qua đó giúp cộng đồng quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển dịch dễ dàng hơn.”
Giống như Australia, Việt Nam có những kế hoạch đầy hoài bão nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu than, cụ thể QHĐ 8 đặt mục tiêu loại bỏ dần việc sản xuất nhiệt điện than đến năm 2050 song song với chuyển sang điện gió và điện mặt trời.
Đại sứ Goledzinowski cho biết Australia cũng đang trong hành trình này và có nhiều điều có thể chia sẻ với Việt Nam.
“Trong ba tháng cuối năm 2022, sản xuất năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ cao kỷ lục trong tổng công suất phát điện của Australia – cung cấp hơn 40% sản lượng điện trong lưới điện chính của quốc gia.”
“QHĐ8 của Việt Nam đề ra mục tiêu 75% năng lượng tái tạo và lưu trữ trong tổng cơ cấu điện năng đến năm 2050 – Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nhanh chóng khai thác tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời và điện gió.”
Sau diễn đàn đối thoại hôm nay sẽ là hội nghị thảo luận bàn tròn vào ngày mai (6/6) để các cơ quan chính phủ và viện nghiên cứu của Australia và Việt Nam thảo luận về việc chuyển đổi hệ thống điện, thị trường điện cũng như cách thức để khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có thể hỗ trợ tốt hơn quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Sáng kiến FE-V do Đại sứ quán Australia và Ban KTTW khởi xướng và được thực hiện thông qua chương trình Đối tác Phát triển Hạ tầng của Australia với sự tham gia của AMPERES, Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Cơ quan Nghiên cứu Khoa học & Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Australia.
Liên hệ báo chí:
Bà Nguyễn Thị Lê Trang +84 24 3774 0261 [email protected]