Thúc đẩy bình đẳng giới và hội nhập xã hội trong nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam
Vào ngày 15 và 16 tháng 11 năm 2018, Chính phủ Australia tổ chức một Hội thảo Khu vực tại Hà Nội để tổng kết dự án: “Lồng ghép bình đẳng giới và hội nhập xã hội vào nghiên cứu chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam”.
“Australia cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Chúng tôi đang áp dụng biện pháp tiếp cận toàn diện đối với công tác cải thiện chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam,” Bà Rebecca Bryant – Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết.
“Dự án “Lồng ghép bình đẳng giới và hội nhập xã hội vào nghiên cứu chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam” là một trong những nỗ lực nhằm hiện thực hóa “Chiến lược Bình đẳng Giới 2016 - 2020 của Australia tại Việt Nam” của chúng tôi”, Bà Bryant cho biết thêm.
Với sự tài trợ bởi Chính phủ Australia thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Dự án Giới làm việc với 10 dự án đang triển khai của ACIAR (với tổng kinh phí đầu tư 17 triệu đô la Úc – tương đương 285 tỷ đồng) tập trung vào các chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các hoạt động Dự án Giới được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây Quốc tế (CIP) và ba tổ chức đối tác: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Care International tại Việt Nam, và Oxfam Việt Nam.
Dự án dài 18 tháng này sẽ kết thúc vào tháng 12 năm 2018. Dự án có mục tiêu giải quyết các khó khăn xã hội liên quan đến vấn đề giới, tạo cơ hội để tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, đồng thời đẩy mạnh sự tham gia cho phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị.
Dự án đã triển khai sáu nghiên cứu thực địa nhằm tìm hiểu cách thức các chuẩn mực và quan hệ giới tác động đến tập quán sản xuất nông nghiệp, và xác định các cơ hội và thách thức về giới đối với nam và nữ nông dân dân tộc thiểu số. Ba lớp tập huấn Bình đẳng Giới đã được tổ chức tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, và một Hội thảo Nhận thức Giới được tổ chức tại Myanmar. Dự án cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu bằng chứng phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát triển thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho nghiên cứu viên, và thiết lập một mạng lưới và trung tâm kiến thức cho các nhà khoa học nông nghiệp và giới trong khu vực.
Thành phần tham gia Hội thảo Giới lần này bao gồm các cán bộ nhà nước và các chuyên gia nghiên cứu đến từ Việt Nam, Myanmar, Philippines, Lào và Campuchia; các nông dân nguời dân tộc thiểu số đến từ Mộc Châu và Điện Biên, và một số sinh viên dân tộc thiểu số.