Bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) – yếu tố quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
Hà Nội, 19/10/2018— Hôm nay, tại thủ đô Hà Nội, trước thềm kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20 tháng 10), đã diễn ra Hội thảo tham vấn về thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật lao động. Sự kiện do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Đầu tư cho Phụ nữ (Investing in Women), một sáng kiến của Chính phủ Úc và cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền năng phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam.
Chính phủ nhấn mạnh những lợi ích của bình đẳng giới trong lao động và những nỗ lực giải quyết vấn đề bình đẳng về cơ hội và đối xử cho cả lao động nam và lao động nữ trong Bộ luật Lao động. Bộ luật năm 2012 đang được sửa đổi để mở đường cho nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn và tạo ra việc làm ổn định cũng như tăng trưởng phù hợp với tầm nhìn quốc gia của Chính phủ trong thế kỷ 21.
Đây là sự kiện tham vấn rộng rãi nhất về các quy định nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, quy tụ khoảng 200 đại biểu nữ và nam đến từ ban soạn thảo, những nhà hoạch định chính sách, những người hoạt động thực tiễn, bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, và các cơ quan truyền thông...
“Tạo được môi trường thuận lợi cho phụ nữ tại nơi làm việc là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm các nước, nên chăng, đã đến lúc cần nghiên cứu thay đổi cách tiếp cận xây dựng các quy định của Bộ luật Lao động từ cách tiếp cận "bảo vệ lao động nữ" sang cách tiếp cận "thúc đẩy bình đẳng giới" đối với cả lao động nam và lao động nữ. Những quy định riêng đối với lao động nữ của Bộ Luật Lao động hiện hành cần thực sự và có thể sửa đổi thành: i) những quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế (như là những biện pháp đặc biệt tạm thời); và ii) những quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nữ và lao động nam”. Trong bài phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Chúng tôi coi việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cơ hội để có được những tiến bộ trong lĩnh vực này.”
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên Minh châu Âu (EVFTA), giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường EU và các nước CPTPP thông qua việc cắt giảm 99% thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.
Sửa đổi Bộ luật Lao động là công việc cụ thể để Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới tại nơi làm việc, giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu trong khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
"Bất bình đẳng giới không nên chỉ được xem là một vấn đề xã hội thuần túy nữa mà là một vấn đề kinh tế, là thách thức lớn đối với sự tăng trưởng toàn diện và bền vững,” Đại sứ Australia Craig Chittick phát biểu khai mạc tại hội nghị.
- Thu hẹp và tiến tới xóa bỏ khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ;
- Hoàn thiện các quy định phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc;
- Bảo đảm, thúc đẩy bình đẳng giới, không phân biệt đối xử trên cơ sở giới trong thực hiện chức năng thai sản, chăm sóc con nhỏ; và
- Hoàn thiện cơ chế cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và người sử dụng lao động trong việc tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo và hỗ trợ người lao động gửi con vào nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Hoàn thiện những quy định về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động cũng đồng thời giúp Việt Nam bảo đảm tốt hơn sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Luật Bình đẳng giới đã được ban hành từ năm 2006, là đạo luật có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực.
Những đóng góp từ Hội thảo tham vấn này hy vọng sẽ cung cấp thông tin cho Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2019, thông qua vào tháng 10/2019.