Thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội trong nghiên cứu nông nghiệp ở Việt Nam
Sáng nay, Chính phủ Australia đã khởi động dự án "Lồng ghép vấn đề giới và hòa nhập xã hội vào nghiên cứu chuỗi giá trị nông nghiệp ở Việt Nam".
Dự án nghiên cứu trong 18 tháng sẽ xác định những vấn đề gây ra bởi các định kiến xã hội về giới. Đồng thời xác định cơ hội để phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số có thể áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường sản xuất bền vững và cải thiện chuỗi giá trị.
Dự án cũng sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu về giới, nâng cao năng lực nghiên cứu và thiết lập một mạng lưới kiến thức cho các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và giới ở Đông Nam Á.
Dự án do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), phù hợp với "Chiến lược Bình đẳng giới của Australia tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020". Dự án này sẽ làm việc với 10 dự án khác của ACIAR đang tập trung nghiên cứu về chuỗi giá trị, với tổng số tiền đầu tư 17 triệu đô la Úc (289 tỷ đồng). Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP) và ba tổ chức đối tác: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Care International tại Việt Nam và Oxfam tại Việt Nam.
Hệ thống canh tác và chuỗi cung ứng nông nghiệp ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đang có những thay đổi nhanh chóng. Mức độ thương mại hóa và hội nhập thị trường tăng lên. Số lượng thanh niên trẻ di cư ngày càng nhiều. Vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp được nâng cao. Những thay đổi này tạo ra nhiều tác động khác nhau đến cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi. Các nông hộ nhỏ bị ảnh hưởng bởi những định kiến về giới và các quan hệ xã hội trong quá trình cân nhắc chuyển đổi cây trồng, áp dụng công nghệ và tương tác với thành phần khác của chuỗi giá trị. Bỏ qua các khía cạnh xã hội đó trong quá trình nghiên cứu sẽ làm giảm hiệu quả của việc áp dụng các tiến bộ khoa học và khiến vấn đề bất bình đẳng giới trầm trọng hơn.
Theo Tiến sĩ Nozomi Kawarazuka (CIP), điều phối viên dự án: “Nghiên cứu nông nghiệp lâu nay vẫn tập trung vào phát triển công nghệ. Trong khi đó, nam giới và phụ nữ đối mặt với những ràng buộc xã hội và định kiến về giới khác nhau, hưởng những lợi ích thực tế khác nhau, thì các nghiên cứu lại hiếm khi xem xét. Dự án này góp phần xây dựng các can thiệp nông nghiệp toàn diện hơn để hỗ trợ phụ nữ và các nhóm xã hội hiện đang bị bỏ qua”.
Bên cạnh đó, dự án cũng tập trung vào xây dựng năng lực cho các nhà nghiên cứu và tạo ra một mạng lưới tri thức. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều mạng lưới nghiên cứu về giới, nhưng các kết quả nghiên cứu đó chưa phù hợp để áp dụng cho Đông Nam Á. Bà Nguyễn Thị Lê Hoa (Phó Giám đốc Oxfam tại Việt Nam) cho rằng: “Cần thiết lập một nền tảng nghiên cứu về giới dành riêng cho Đông Nam Á, đóng vai trò là trung tâm tri thức để từ đó giúp phổ biến và áp dụng kiến thức liên quan”.