Australia hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến
Giáo dục trực tuyến ở bậc đại học hiện đang là một xu thế toàn cầu. Nếu làm tốt, phương thức giáo dục này có thể cải thiện cơ hội tiếp cận và mang lại những cách học tập mới và sáng tạo cho học sinh. Tuy nhiên, một số nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam, còn chưa thực sự tự tin về chất lượng, sự công nhận và trải nghiệm của học sinh trong những khóa học hoàn toàn hoặc phần lớn được thực hiện trực tuyến.
Hôm nay, Chính phủ Australia và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đồng tổ chức hội thảo tham vấn ở Hà Nội để lấy ý kiến về bộ công cụ được xây dựng để hỗ trợ các nước thành viên APEC trong đảm bảo chất lượng giáo dục trực tuyến. Bộ công cụ này lần đầu tiên được xem xét bởi 13 nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam, vào tháng 10 năm 2016 và hiện nay đang được thử nghiệm trước khi hướng đến sự thông qua tại APEC vào cuối năm nay. Việt Nam là một trong ba quốc gia nhận được sự hỗ trợ tại chỗ trong dự án này.
Bộ công cụ được xây dựng với mục đích mang lại một sự hiểu biết chung về những điển hình tốt và một số công cụ thực tiễn để đánh giá các khía cạnh của học tập trực tuyến, chẳng hạn như kĩ năng của giáo viên hay sự trung thực của quá trình đánh giá.
Buổi hội thảo đã có những thảo luận về các phương hướng cũng như thách thức của Việt Nam trong kiểm định giáo dục trực tuyến và xem xét việc làm thế nào để bộ công cụ này có thể hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh quá trình đảm bảo chất lượng. Sự hỗ trợ này là rất kịp thời khi Việt Nam đang xây dựng những định hướng cho giáo dục từ xa.Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà APEC năm 2017 đã xác định rõ nguồn nhân lực trong “thời đại số” là một trong những chủ đề chiến lược cho năm nay.
Mở đầu buổi hội thảo, Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho biết Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam và nhấn mạnh rằng nâng cao chất lượng và mở rộng cơ hội tiếp cận là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của Việt Nam trong tương lai. “Báo cáo năm 2035” kết luận rằng để có thể duy trì vị thế cạnh tranh toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam cần phải chú trọng đến sáng tạo và đổi mới. Giáo dục trực tuyến có tiềm năng mang lại nhiều hơn những cơ hội tiếp cận các khóa học được công nhận trên toàn thế giới mà người học không cần bỏ ra chi phí di chuyển xuyên quốc gia, Sự phát triển này cung cấp những cơ hội đáng kể cho các trường đại học của Việt Nam và Australia, Ngài Chittick cho biết.
Những đại biểu tham dự hội thảo cũng đã chứng kiến lễ kí kết Biên bản Ghi nhớ giữa Cơ quan Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học Australia (TEQSA) và Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Giám đốc điều hành TEQSA, ông Anthony McClaran cho rằng việc kí kết thể hiện những cam kết hai của cơ quan về giáo dục chất lượng.
“Chúng tôi rất mong muốn được làm việc với Chính phủ Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học toàn cầu, để mở rộng quan hệ trong khu vực và hỗ trợ sự dịch chuyển sinh viên quốc tế, ông McClaran cho biết.