Phái đoàn các nhà xuất khẩu gia súc Australia tới Việt Nam
Đại sứ Australia Ngài Hugh Borrowman đã chào đón một phái đoàn các nhà xuất khẩu gia súc Australia vào tuần này. Họ đến Hà nội để tham dự một cuộc hội thảo cấp cao với các nhà nhập khẩu và chế biến bò thịt Australia chủ chốt tại Việt Nam cho thị trường tiêu thụ tại đây.
Đây là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa các nhà xuất và nhập khẩu chủ chốt của hai bên nhằm thảo luận cách thức xây dựng tính bền vững cho ngành thương mại đang tăng trưởng mạnh này.
“Theo truyền thống thì thịt bò Australia luôn gắn liền với ngành dịch vụ thực phẩm cao cấp của Việt nam và chúng tôi kỳ vọng rằng xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục”, Ngài Đại sứ nói “Tuy nhiên, những người đi tiên phong trong ngành công nghiệp này đã mở ra những kênh thị trường mới, mang thịt bò có chất lượng vào Việt nam với những phân khúc giá khác nhau để phục vụ người tiêu dùng”.
Ngài Đại sứ chúc mừng các nhà nhập khẩu Việt Nam về những nỗ lực không ngừng của họ trong việc phát triển các chuỗi cung cấp để tiếp nhận và chế biến bò thịt từ Australia. “Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào cơ sở chuồng trại và giết mổ theo tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ đảm bảo cho việc đối xử nhân đạo với động vật mà còn đảm bảo điều kiện về sức khỏe và an toàn lao động cho các công nhân làm việc trong ngành. Tôi rất vui vì họ đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp Australia trong các nỗ lực này”.
“Đây là một kết quả tuyệt vời cho cả hai đất nước”, Ngài Đại sứ nói trong bài phát biểu trước các đại diện doanh nghiệp. “Đây cũng chính là một hoạt động ngoại giao kinh tế - Australia có một thị trường mới và đáng kể, và Việt nam tăng cường được năng lực của mình để tạo điều kiện cho người tiêu dùng Việt nam được tiếp cận tốt hơn với thịt bò chất lượng với các mức giá cạnh tranh.”
Ngài Đại sứ cũng nhân dịp này phản hồi về các báo cáo gần đây của truyền thông Việt nam về chất kích thích tăng trọng ractopamine. “Ractopamine không được phép sử dụng trong chăn nuôi bò tại Australia”, Đại sứ nói. “Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp Australia có chương trình kiểm tra ngẫu nhiên và cho đến nay không hề có phát hiện nào về việc sử dụng chất này được báo cáo. Các kết quả giám sát được công bố công khai trên trang web của Bộ Nông nghiệp Australia”. Đại sứ nói tiếp rằng Việt nam có thể hoàn toàn tin tưởng rằng chất kích thích tăng trọng ractopamine không được sử dụng trong chăn nuôi gia súc tại Australia.
Thương mại bò sống giữa Việt nam và Australia đã tăng đáng kể trong 12 tháng qua và hiện nay Việt nam đã trở thành thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ nhì của Australia, chỉ sau Indonesia. Trong năm tài khóa vừa qua, Việt nam đã nhập khẩu 130.000 còn bò sống từ Australia để đáp ứng nhu cầu của thị trường.