Đại sứ quán Australia
Việt Nam

MR111213 Kỳ họp lần thứ 10 của Uỷ ban Hỗn hợp Hợp tác Thương mại và Kinh tế Australia-Việt Nam

Kỳ họp lần thứ 10 của Uỷ ban Hỗn hợp Hợp tác Thương mại và Kinh tế Australia-Việt Nam
Tuyên bố chung, ngày 13 tháng 12 năm 2011

Bộ trưởng Thương mại Australia, Ngài Tiến sỹ Craig Emerson và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngài Bùi Quang Vinh, đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 10 của Uỷ ban Hỗn hợp Hợp tác Thương mại và Kinh tế Australia-Việt Nam (JTECC) vào ngày 13 tháng 12 năm 2011 tại Hà Nội. JTECC được thiết lập năm 1990 nhằm đánh giá tiến bộ trong quan hệ kinh tế giữa hai nước và xác định những cách thức thúc đẩy hợp tác tiếp theo.

1. Hai bên nhất trí rằng quan hệ song phương tiếp tục được tăng cường và mở rộng trong khuôn khổ của Đối tác Toàn diện Australia-Việt Nam, được ký kết vào tháng 9 năm 2009. Hai bộ trưởng hoan nghênh việc ký Kế hoạch Hành động Australia-Việt Nam, nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Australia Bà Julia Gillard tới Việt Nam vào tháng 10 năm 2010, là một chương trình hành động chi tiết cho hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện. Bộ trưởng Emerson hoan nghênh vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế, bao gồm cả với tư cách là một thành viên của các diễn đàn ASEAN, APEC và trong đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (PPP).

2. Hai bộ trưởng vui mừng với sự tăng trưởng trong thương mại hàng hoá và dịch vụ hai chiều đạt trung bình hơn 10% trong thập kỷ vừa qua. Hai Bộ trưởng ghi nhận sự vững vàng của hai nền kinh tế trong khu vực trong khi phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và hoan nghênh những cam kết tiếp diễn của khu vực về cải cách thương mại và kinh tế. Bộ trưởng Emerson chúc mừng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6% trong năm 2010 và mức dự báo của Chính phủ Việt Nam cho tăng trưởng từ 6% đến 6,5% vào năm 2012.

3. Hai bộ trưởng có những thảo luận sâu rộng về tương lai của quan hệ kinh tế song phương và nhất trí rằng trong khi đã có nhiều tiến bộ, vẫn còn tiềm năng rất đáng kể cho việc mở rộng một cách vững chắc mối quan hệ này. Cả hai Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ sẽ tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng những tính chất bổ trợ giữa hai nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, hai Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển đạt được trong Giai đoạn 2 của Chương trình Hậu WTO và hỗ trợ của Australia trong việc thực hiện cải cách ở Việt Nam về quản lý hội nhập kinh tế và chuyển đối sang kinh tế thị trường. Bộ trưởng Emerson bày tỏ mối quan tâm sâu sắc của Australia trong giải quyết những vẫn đề tiềm ẩn liên quan đến thực hiện những biện pháp gần đây như Thông báo 197 của Việt Nam về nhập khẩu hàng hoá xa xỉ; Nghị định 46 liên quan tới giấy phép cho lao động người nước ngoài; và Quyết định số 20 liên quan tới việc vận hành và quản lý các kênh Truyền hình Trả phí. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ghi nhận mối quan tâm của Australia và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Australia để giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện những chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giới thiệu các kế hoạch và các ưu tiên tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam và nhận thấy có những điểm tương đồng trong kinh nghiệm cải cách kinh tế của Australia từ những năm 1980 với những thách thức mà Việt Nam đang phải đương đầu. Bộ trưởng Emerson hoan nghênh cam kết mới của Việt Nam trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế và cải cách dựa trên nguyên tắc thị trường như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực này trong việc tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế song phương. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Emerson thể hiện quan tâm của Australia trong việc hỗ trợ năng lực của Việt Nam để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thông qua ba sáng kiến cụ thể sau:

• làm việc với Việt Nam để giúp có được tài trợ theo Chương trình Hợp tác Kinh tế trong khuôn khổ Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN – Australia- Niu Dilân (AANZFTA), bao gồm cả việc thực hiện những khuyến nghị trong Đánh giá Chính sách Đầu tư Việt Nam do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện năm 2009;
• khuyến khích Việt Nam tận dụng khoản tài trợ cho xây dựng năng lực cải cách cơ cấu mà Australia đã cam kết cho các nền kinh tế đang phát triển của APEC tại hội nghị APEC tháng 11 năm 2011;
• khuyến khích Việt Nam tham gia chương trình của Australia /Ngân hàng Thế giới tập trung vào hỗ trợ các cơ quan của Việt Nam xây dựng năng lực thể chế để tăng cường khả năng đánh giá khu vực tài chính (FSAP), chuẩn bị và thực hiện đổi mới và phát triển hệ thống tiến gần hơn với các chuẩn mực và thực tiễn tốt nhất của quốc tế.

5. Hai Bộ trưởng hoan nghênh sự quan tâm ngày càng tăng của các doanh nghiệp Australia và Việt Nam trong việc xây dựng các mối quan hệ thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, cơ sở hạ tầng, năng lượng và tài nguyên. Hai Bộ trưởng cũng hoan nghênh các hoạt động đã được thực hiện theo Chương trình Hợp tác Nông nghiệp Australia-Việt Nam, được thiết kế để tăng cường năng lực cho Việt Nam về kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm.

6. Hai Bộ trưởng ghi nhận rằng giáo dục và đào tạo là lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ lớn nhất của Australia vào Việt Nam. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Công tác Hỗn hợp về Giáo dục và Đào tạo vừa được Australia và Việt Nam nhất trí thành lập. Bộ trưởng Emerson đề cập đến sự tham gia mạnh mẽ hơn của Australia vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề của Việt Nam thông qua một chiến lược chính phủ hợp nhất, các hội thảo chính sách và phái đoàn chính sách tới Việt Nam. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hoan nghênh sự cam kết tiếp tục cho chương trình học bổng của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam.

7. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng các cơ hội đáng kể sẽ mở ra khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và nhu cầu về năng lượng và tài nguyên của Việt Nam gia tăng. Hai Bộ trưởng cũng ghi nhận rằng Việt Nam là một thị trường thích hợp cho các công ty của Australia liên quan đến công nghệ và dịch vụ tài nguyên và năng lượng. Tiến sỹ Emerson hoan nghênh những phái đoàn công tác về tài nguyên và năng lượng tới hai nước trong tương lai.

8. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hoan nghênh khoản đóng góp 160 triệu đô la của Australia cho việc thiết kế, giám sát và thi công cầu Cao Lãnh, là một phần của dự án Kết nối Trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông và là dự án tài trợ đơn lẻ lớn nhất của Australia tại khu vực Mê Kông. Dự án sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy hợp tác thương mại và kinh tế và phát triển trong khu vực.

9. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sâu sắc thêm sự hợp tác trong các lĩnh vực này. Để đạt được điều đó, Bộ trưởng Emerson yêu cầu Việt Nam ủng hộ Trường giáo dục đào tạo nghề Box Hill và Tổ chức Biết một Dạy một (KOTO) thực hiện nghiên cứu khả thi về thành lập một trường đào tạo kỹ thuật ở Hà Nội. Bộ trưởng đề xuất Việt Nam cử một phái đoàn về cơ sở hạ tầng sang thăm Australia, vào dịp diễn ra kỳ họp JTECC lần thứ 11 sẽ được tổ chức tại Australia vào năm 2012, để quảng bá các cơ hội PPP và lôi cuốn sự tham gia của khu vực tư nhân. Liên quan đến hợp tác về môi trường, Bộ trưởng Emerson đề xuất một phái đoàn thương mại từ Australia tới Việt Nam vào năm 2012, do Văn phòng Thương mại Australia (Austrade) tổ chức, tập trung vào các lĩnh vực xây dựng xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả và hệ thống quản lý nước. Ông cũng cho biết Australia mong được chào đón chuyến thăm tới Australia của Bộ trưởng Công thương, Tiến sỹ Vũ Huy Hoàng, vào năm sau trong đó sẽ xem xét các cách thức tăng cường hợp tác song phương về năng lượng và tài nguyên.

10. Liên quan tới các vấn đề về đa phương và khu vực, Tiến sỹ Emerson thể hiện nguyện vọng của Australia tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong Hội nghị Cấp cao Đông Á để duy trì đà hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt thông qua các Nhóm Công tác ASEAN Cộng về Thương mại Hàng hoá, Thương mại Dịch vụ và Đầu tư sẽ được thiết lập vào năm 2012.

11. Hai Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bế tắc trong Vòng đàm phán Phát triển Doha và nhất trí rằng cần có tư duy mới, bao gồm các tiếp cận sáng tạo cùng với khả năng thúc đẩy các phần cụ thể của chương trình nghị sự Doha, khi mà sự đồng thuận có thể đạt được trên cơ sở tạm thời hoặc vĩnh viễn. Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ sử dụng Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 8 (MC8) ở Geneva (15-17 tháng 12 năm 2011) để đánh giá và thúc đẩy hoạt động trong vòng đàm phán Doha, bao gồm cả một hướng đi mới. Hai Bộ Trưởng ghi nhận sự cấp bách cho Vòng đàm phán Doha phải đem tới một kết quả cho các nước nghèo nhất thế giới và kêu gọi thiết lập gói giải pháp cho các nước kém phát triển nhất (LDCs). Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết cùng với lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo của APEC tại Honolulu (13 Tháng 11 năm 2011) về việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ thông qua việc không gia tăng hơn mức bảo hộ cho đến cuối năm 2015, và nhất trí làm việc để đạt được một cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ tại MC8. Những cam kết này bổ sung và hỗ trợ thoả thuận bởi các nhà lãnh đạo G20 (tại Cannes, 3-4 tháng 11 năm 2011) khẳng định cam kết của họ trong việc không gia tăng mức bảo hộ cho đến cuối năm 2013, nhằm tiến tới giảm bớt các biện pháp bảo hộ mới có thể phát sinh và chỉ đạo các Bộ trưởng Thương mại của họ đưa ra được những tiếp cận mới cho Vòng Doha tại MC8.

12. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng Việt Nam và Nhóm Cairns sẽ tiếp tục hợp tác trong các đàm phán Phát triển Doha. Bộ trưởng Emerson hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam với tư cách là một quan sát viên trong các Hội nghị Bộ trưởng Nhóm Cairns. Hai Bộ trưởng ghi nhận rằng các nhà xuất khẩu nông nghiệp Australia và Việt Nam cùng chia sẻ mối quan tâm tới tự do hóa thương mại nông nghiệp.

13. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết của họ với các kết quả của hội nghị các Bộ trưởng và các nhà Lãnh đạo APEC tại Honolulu vào tháng 11, bao gồm thực hiện các ưu tiên cải cách cơ cấu, và hoan nghênh sự tiếp tục hợp tác mạnh mẽ giữa Australia và Việt Nam trong APEC.

14. Hai Bộ trưởng hoan nghênh việc Indonesia hoàn tất các thủ tục chính thức trong năm 2011 để hiệu lực hoá Hiệp định Tự do Thương mại ASEAN – Australia- Niu Dilân (AANZFTA), đánh dấu sự vận hành đầy đủ của Hiệp định bước ngoặt này. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng AANZFTA mang lại tiềm năng lớn đóng góp cho việc hội nhập kinh tế và thịnh vượng trong khu vực. Hai Bộ trưởng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện và tận dụng Hiệp định AANZFTA, bao gồm chương trình nghị sự và Chương trình Hợp tác Kinh tế trong đó cũng như phối hợp chặt chẽ trong việc nâng cao nhận thức doanh nghiệp về cơ hội từ AANZFTA. Trong bối cảnh này, Hai Bộ trưởng hoan nghênh Hội thảo xúc tiến AANZFTA được thực hiện bởi Tổng Lãnh sự quán Australia và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với sự tham gia của Sở Công Thương Việt Nam vào tháng tư 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hai Bộ trưởng nhất trí rằng AANZFTA là một chuẩn mực cho việc hội nhập kinh tế khu vực lấy ASEAN làm trung tâm. Hai Bộ trưởng tái khẳng định cam kết khuyến khích các doanh nghiệp hai nước tận dụng tối đa các cơ hội do AANZFTA mang lại.

15. Hai Bộ trưởng ghi nhận rằng các nhà Lãnh đạo của Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã gặp nhau ở Honolulu vào ngày 12 tháng 11 với mục đích đánh giá tiến độ các cuộc đàm phán và xem xét bước tiến tiếp theo cho việc xây dựng một hiệp định tự do thương mại của Thế kỷ 21, một hiệp định có thể tạo ra con đường dẫn tới sự tự do thương mại trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hai Bộ trưởng hoan nghênh việc các bên đã đạt được thỏa thuận về những nội dung cơ bản của TPP và tái khẳng định cam kết của họ cho một FTA toàn diện và tham vọng để loại bỏ thuế quan và các rào cản khác đối với thương mại và đầu tư. Hai Bộ trưởng nhấn mạnh chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo TPP là các quan chức cần tích cực làm việc để kết thúc đàm phán hiệp định TPP trong thời gian sớm nhất có thể.

16. Hai Bộ trưởng đồng ý tổ chức JTECC hàng năm, với kỳ họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Australia vào năm 2012.

 


NGÀI TIẾN SĨ CRAIG EMERSON                  NGÀI BÙI QUANG VINH
Bộ trưởng Thương mại Australia                 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
(signed)                                                       (signed)
 

Ngày 13 tháng 12 năm 2011