Đại sứ quán Australia
Việt Nam

MR110222 Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống canh tác lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
của hệ thống canh tác lúa Đồng bằng sông Cửu Long


Cộng đồng sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ được hưởng lợi lâu dài từ một dự án mới về nghiên cứu nông nghiệp do Chính phủ Úc tài trợ, triển khai tại vùng sản xuất lương thực quan trọng này của Việt Nam từ ngày hôm nay, 22 tháng 2 năm 2011.

Đây là một dự án 4 năm (2011-14) với tổng kinh phí 4 triệu đô la Úc, được tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR). Hoạt động nghiên cứu này là sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế, các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam và Australia, các cơ quan địa phương và nông dân Việt Nam. Dự án này nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hệ thống canh tác lúa ĐBSCL, thông qua việc cung cấp công nghệ và kỹ thuật mới giúp cho hệ thống canh tác lúa có sức chịu đựng tốt hơn trước những thay đổi có thể xảy ra từ biến đổi khí hậu.

Các mục tiêu và phương pháp nghiên cứu rõ ràng đã được các đối tác tham gia dự án thiết kế dựa trên nguyên tắc kế thừa các kết quả nghiên cứu và kiến thức bản địa, chú trọng sự tham gia của các tác nhân liên quan, trong đó có người nông dân. Kết quả mong đợi của dự án như sau:

  • Cải thiện nguồn quỹ gen lúa có tính chịu đựng tốt hơn khi bị ngập úng, sốc do mặn và môi trường yếm khí trong quá trình nảy mầm;

  • Đưa ra các phương án sử dụng đất có thể thay thế cho các hệ thống sản xuất độc canh lúa, hoặc luân canh để cho thu nhập cao hơn;

  • Cung cấp công cụ ra quyết định cho nông dân và các sở ban ngành;

  • Hướng dẫn quản lý đất nhằm mục đích tuần hoàn dinh dưỡng và thích ứng với ngập úng trên đất phèn;

  • Đánh giá mức độ thích ứng và các lợi ích khác có thể có được từ các phương án được lựa chọn để thích ứng biến đổi khí hậu;

  • Chiến lược ứng phó thông qua quy hoạch sử dụng đất phù hợp với những thay đổi được dự báo trước về xâm nhập mặn và ngập úng;

  • Công nghệ và kiến thức để cải thiện an ninh lương thực ở ĐBSCL.

“Chính phủ Úc cam kết ủng hộ các nước đang phát triển giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là một ưu tiên cao của Chính phủ Úc và là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược Hợp tác Phát triển Việt – Úc. Chúng tôi hiểu rằng vùng Mekong là quan trọng như thế nào đối với việc sản xuất lúa gạo không phải chỉ ở Việt Nam, mà cho cả khu vực, và dự án này là một phần trong nỗ lực ủng hộ an ninh lương thực toàn cầu của chính phủ Úc”, Ông Graeme Swift, Tổng Lãnh sự Úc tại Việt Nam phát biểu.

“Chúng tôi dự kiến rằng dự án này sẽ cung cấp cho người nông dân một bộ công cụ mới, giúp họ thay đổi hệ thống canh tác của mình, vừa có nhiều lựa chọn hơn về các giống lúa, vừa có thông tin để lựa chọn cây trồng thích hợp cho từng năm, lại vừa giảm thiểu rủi ro về sản lượng thấp dẫn đến thu nhập thấp”, Giáo sư Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần thơ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (DRAGON- Mekong), đồng thời là Chủ nhiệm Dự án phía Việt Nam cho biết.

Tới dự hội thảo khởi động dự án tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ ngày 22 tháng 2 có khoảng 80 đại biểu. Họ là đại diện của các đối tác chính tham gia dự án phía Việt Nam (Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Viện Nghiên cứu Lúa ĐBSCL, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), các đối tác tham gia phía Úc (Viện lúa Yanko thuộc Bang New South Wales và Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc —CSIRO) và đối tác Quốc tế chính của dự án (Viện Lúa Quốc tế — IRRI). Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo của 4 tỉnh có hoạt động dự án là: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu và Hậu Giang; đại diện của các bộ ban ngành liên của Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng đại diện chính phủ Úc đến từ Tổng Lãnh sự quán Úc tại Việt Nam và trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Úc ACIAR.

ACIAR đã tài trợ khoảng 110 dự án hợp tác nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam từ năm 1993 trong các lĩnh vực khác nhau: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chính sách nông nghiệp. Hiện nay ACIAR đang triển khai 14 dự án ở Việt Nam, chủ yếu ở 3 vùng: ĐBSCL, Duyên hải Nam Trung bộ và miền núi Tây Bắc Việt Nam, với tốc độ giải ngân hiện tại khoảng 3,5 triệu đô la Úc/năm.

Ngoài dự án nói trên, ACIAR còn tài trợ nhiều dự án nghiên cứu khác liên quan đến lúa gạo ở Việt Nam, gồm có: ‘Nghiên cứu phân vi sinh cho sản xuất lúa’ (2004-08); ‘Cải thiện hiệu quả và khả năng dự báo của các chất ức chế sinh học nhằm giảm thất thoát đạm và tăng năng suất lúa nước’ (1995-97); ‘Quản lý chuột hại trong hệ thống trồng lúa’ (1996-2009); ‘Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến rầy nâu/ vấn đề vi-rút trên lúa tại Việt Nam’ (2007-08); ‘Nghiên cứu các vấn đề lý sinh và kinh tế xã hội trong hệ thống canh tác lúa tôm ở ĐBSCL’ (1997-2002); và ‘Các phương pháp sấy khô và bảo quản lúa gạo hiệu quả, sử dụng hóa chất hạn chế và an toàn’.