Đại sứ quán Australia
Việt Nam

MR090426ParliamentarySecretary

Ngày: 26 tháng 4 năm 2009
Chủ đề: Viện trợ Phát triển

Quốc vụ khanh phụ trách Viện trợ Phát triển Australia thăm Việt Nam

Viện trợ của Australia cho Việt Nam

Ước tính chương trình viện trợ 2008-09: 77 triệu đô la Úc
Tổng ODA 2008-09: 104 triệu đô la Úc

Chương trình viện trợ của Australia cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Chương trình viện trợ của Australia phù hợp với Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội của Việt Nam (2006-10). Australia hiện đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển để giúp Việt Nam tăng cường năng lực nhằm đạt được hiệu quả viện trợ cũng như tính bền vững cao hơn.

Trọng tâm chương trình viện trợ phát triển của Australia bao gồm:

• hỗ trợ cách tiếp cận giảm nghèo trong tiến trình hội nhập kinh tế
• hỗ trợ việc giảm nghèo cho các dân tộc thiểu số;
• đẩy mạnh việc phòng ngừa thiên tai bao gồm cả việc biến đổi khí hậu;
• thúc đẩy việc cung cấp nước sạch và vệ sinh;
• nâng cao chất lượng hệ thống y tế;
• giúp Việt Nam chuẩn bị ứng phó với những thách thức trên vị thế của một nước có mức thu nhập trung bình.

Australia cũng giúp Việt Nam chống tham nhũng và thúc đẩy bình đẳng giới.

Viện trợ của Australia trong lĩnh vực cải thiện vệ sinh và cung cấp nước sạch

Thông tin chung

Việt Nam đang nỗ lực để việc tiếp cận nước sạch nông thôn tăng từ 60% (2006) lên 85% và tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn từ 50% (2006) lên 70% vào năm 2010. Số liệu năm 2008 cho thấy 74% dân số tiếp cận được nước sạch, tuy nhiên mới chỉ có chưa đến 55% tiếp cận được nhà tiêu đạt vệ sinh. Tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang tiếp tục đặt thêm nhiều gánh nặng cho chất lượng nước sạch. Chất lượng vệ sinh còn thấp cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Các dân tộc thiểu số, chủ yếu sinh sống ở những vùng sâu vùng xa, cần được hỗ trợ một cách đặc biệt.

Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trên lĩnh vực nước sạch và vệ sinh. Mặc dầu Việt Nam có nhiều triển vọng đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về lĩnh vực nước sạch, nhưng có lẽ sẽ không đạt được Mục tiêu này trên lĩnh vực vệ sinh.

Đóng góp của Australia

Trong vòng 15 năm qua, Australia là nhà tài trợ hàng đầu trên lĩnh vực nước sạch và vệ sinh ở Việt Nam. Viện trợ của Australia trên lĩnh vực này bao gồm:

- 48 triệu đô la Úc hỗ trợ Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Chính phủ Việt Nam trên lĩnh vực Cung cấp Nước sạch và Vệ sinh Nông thôn.

o thí điểm năm 2008 nằm trong giai đoạn hai của chương trình (2007-11) đã giúp cho 232.000 hộ gia đình tiếp cận được nước sạch và 44.500 hộ được tiếp cận với các nhà vệ sinh tiêu chuẩn.

- 50 triệu đô la Úc cho Dự án Nước sạch và Vệ sinh 3 thị xã Đồng bằng Sông Cửu Long triển khai ở Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) từ năm 2001 đến 2008.

o Nhờ sự trợ giúp của Australia, nước sạch đã được cung cấp 24/24h nâng tỷ lệ cung cấp nước sạch ở các khu vực đô thị lên 75% vào thời điểm sắp kết thúc dự án, và hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 95% vào cuối năm 2009. Các tuyến ống cung cấp nước mới đã được nối đến khoảng 28.000 hộ gia đình, tương đương tiếp cận được 140.000 người.

Ngoài ra, AusAID cũng hỗ trợ hoạt động của các Tổ chức Phi chính phủ trên lĩnh vực nước sạch và vệ sinh và đang phối hợp với Đức trong Sáng kiến Việt Nam Tiếp cận Nước sạch và Vệ sinh (2009-11).
Dự án ‘Mái Ấm Tình Thân’

Thông tin chung

Có khoảng 290.000 người, tương đương với khoảng 0,53% dân số, đang sống chung với HIV/AIDS ở Việt Nam. HIV tập trung ở những nhóm có nguy cơ cao là đối tượng tiêm chích ma túy, mại dâm và quan hệ đồng giới nam. Số lượng phụ nữ có nguy cơ có HIV/AIDS, kể cả do hành vi của họ hay của bạn tình, đang ngày càng gia tăng. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ có HIV/AIDS ở phụ nữ là 0,82% trên phạm vi toàn quốc. Số lượng trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong cả nước là khoảng 300.000 em. Vấn đề phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại.

Việt Nam có nguy cơ không đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên Niên Kỷ 6 (MDG 6). Các nhà tài trợ ở Việt Nam đang nỗ lực để giúp Việt Nam giải quyết vấn đề HIV/AIDS (với hơn 80% nguồn lực dành cho việc đối phó với HIV đến từ các nhà tài trợ). Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, bao gồm cả việc tăng cường nguồn lực nội tại, đây là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay.

Đóng góp của Australia

AusAID sẽ tài trợ $250.000 trong tài khóa 2009-10 để hỗ trợ dự án ‘Mái Ấm Tình Thân’
‘Mái Ấm Tình Thân’ giúp khắc phục những bất cập hiện có trong việc cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS cho phụ nữ và trẻ em có HIV ở Hà Nội. Dự án giúp cung cấp các dịch vụ mà hiện Hà Nội chưa có trên lĩnh vực phòng ngừa và chăm sóc cho người có HIV, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức quản lý ‘Mái Ấm Tình Thân’. Trung tâm HIV/AIDS và Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản của Hội phối hợp cùng với AusAID xây dựng và triển khai dự án.

AusAID cũng làm việc với Quỹ Clinton để tài trợ cho các hoạt động chăm sóc trẻ em có HIV (với ngân sách 4,9 triệu đô la Úc cho tài khóa 2006-09) và tham gia một chương trình mới trong khu vực với trọng tâm giúp phòng ngừa HIV cho những người sử dụng ma túy qua con đường tiêm chích (4 triệu đô la Úc cho tài khóa 2009-2012).

Viện Mắt Trung Ương và Quỹ Fred Hollows

Ở Việt Nam, có gần 400,000 người mù ở độ tuổi 50 và trên 50; ngoài ra có 1,6 triệu người khác có thị lực kém. Trong vòng 5 năm qua, các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Fred Hollows đã nỗ lực phối hợp với chính phủ Việt Nam để tăng cường sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề phòng chống mù lòa. Bộ Y Tế đã thảo một Kế hoạch Quốc gia về Phòng chống Mù lòa để trình lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi được chấp thuận, kế hoạch sẽ làm cơ sở cho các hoạt động mang tính chiến lược về vấn đề phòng chống mù lòa. Cần phải có thêm nguồn lực cũng như tăng cường năng lực để có thể triển khai kế hoạch này thành công.

Australia đang giúp Việt Nam trên lĩnh vực này. Trong khuôn khổ Sáng kiến Phòng chống Mù lòa, một phần của Chiến lược ‘Phát triển cho Mọi người’ bao gồm các vấn đề rộng hơn về khuyết tật. AusAID và nhóm Vision 2020 Australia đã xây dựng một chương trình hỗ trợ cho tài khóa từ 2009-10 đến 2010-11 với tổng kinh phí 3 triệu đô la Úc. Chương trình do Quỹ Fred Hollows quản lý sẽ cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc mắt toàn diện tại 12 huyện thuộc bốn tỉnh.

Quỹ Fred Hollows hoạt động ở Việt Nam từ năm 1992. Quỹ có quan hệ chặt chẽ với Viện Mắt Trung Ương và các cơ quan nhà nước khác. Quỹ tập trung vào hoạt động khám chữa bệnh về mắt ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Từ năm 1992 đến nay, Quỹ đã nhận được 2,5 triệu đô la Úc từ chính phủ Australia, thông qua AusAID, để triển khai các hoạt động tại Việt Nam. Từ năm 1998, cũng thông qua AusAID, chính phủ Australia đã tài trợ 15 triệu đô la Úc cho các hoạt động toàn cầu của Quỹ.

Viện Mắt Trung Ương là cơ quan đầu ngành về khám chữa bệnh về mắt ở miền Bắc. Viện có 90 bác sỹ nhãn khoa và 200 nhân viên. Viện khám chữa các bệnh thông thường và phức tạp về mắt, tổ chức các nghiên cứu và huấn luyện cho các nhân viên nhãn khoa. Viện và Quỹ Fred Hollows đã thành lập một trung tâm quản lý công nghệ thông tin để hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động của Viện, cùng tổ chức các nghiên cứu và hội thảo y khoa, xuất bản một tạp chí về nhãn khoa và cung cấp dịch vụ mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho người nghèo tại Viện Mắt Trung Ương và ở nông thôn.

Ngài McMullan sẽ khai trương trung tâm – AusAID hiện chưa có hỗ trợ về tài chính cho trung tâm.