Đại sứ quán Australia
Việt Nam

MR090227-Khunghoangtaichinh

Ngài Kevin Rudd - Thủ tướng Australia
Ngày 27 tháng 2 năm 2009

Bắt tay vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu


Nhiều sự kiện chấn động đã từng xảy ra trong lịch sử loài người, khi một thuyết chính thống này bị lật đổ bởi một thuyết khác. Quy mô cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay cũng đang đòi hỏi việc đánh giá lại những chính sách và triết lý kinh tế đã khiến chúng ta lâm vào tình trạng này
.
George Soros từng nói: “Đặc điểm nổi bật của cuộc khủng hoảng tài chính hiện này là nó không xuất phát từ cú sốc bên ngoài nào đó… Chính hệ thống hiện thời tự thân nó tạo ra cuộc khủng hoảng này”.

Soros đã có lý. Cuộc khủng hoảng hiện tại là sự tích tụ từ 30 năm thống trị của chính sách kinh tế dựa trên tư tưởng thị trường tự do được gọi theo nhiều cách khác nhau như chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tự do kinh tế hay thuyết kinh tế chính thống. Yếu tố chủ đạo của tư tưởng này là cần hạn chế vai trò của chính phủ và thay thế bằng các lực lượng thị trường. Và năm ngoái, chúng ta đã được chứng kiến việc các lực lượng thị trường không bị kiểm soát khiến chủ nghĩa tư bản húc đầu vào đá như thế nào.

Thay vì phân tán rủi ro trên bình diện toàn cầu thì chính hệ thống tài chính thế giới đã làm gia tăng rủi ro. Thuyết tự do mới chính thống cho rằng, các thị trường tài chính toàn cầu rốt cuộc sẽ tự điều chỉnh – bàn tay vô hình của các lực lượng thị trường tự có thể tìm ra cách cân bằng. Tuy nhiên, nhà kinh tế học Joseph Stiglitz đã nhận xét một cách châm biếm: “Một bàn tay vô hình trở nên không nhìn thấy được là vì nó hoàn toàn không có ở đó”.

Tương tự việc Tổng thống Franklin Delano Roosevelt có trách nhiệm tái thiết chủ nghĩa tư bản Mỹ sau cuộc Đại suy thoái, việc các nghị sỹ Dân chủ Mỹ - chịu ảnh hưởng mạnh bởi nhà kinh tế học John Maynard Keynes – có trách nhiệm phục hồi nhu cầu nội địa sau Thế chiến, lập ra Kế hoạch Marshall để xây dựng lại Châu Âu và phát triển hệ thống Bretton Woods để điều tiết các mối quan hệ kinh tế quốc tế, thế hệ mới ngày nay cũng có trách nhiệm nhìn nhận và xây dựng lại các hệ thống kinh tế quốc gia và quốc tế.

Có ba thách thức đối với những chính phủ theo chủ trương ôn hòa muốn cứu chủ nghĩa tư bản. Thứ nhất là sử dụng nhà nước để cải tổ các thị trường được điều tiết hợp lý và phục hồi nhu cầu nội địa cũng như toàn cầu. Với sự diệt vong của chủ nghĩa tự do mới, một lần nữa, vai trò chủ đạo của nhà nước được công nhận. Nhà nước đã và đang đóng vai trò chính yếu trong việc đối phó với ba lĩnh vực đã trở nên rõ ràng của cuộc khủng hoảng: Cứu hệ thống tài chính tư nhân khỏi sụp đổ; Bơm các gói kích thích trực tiếp vào nền kinh tế thực do cầu cá nhân suy sụp; Thiết kế chế độ điều tiết quốc gia và quốc tế, trong đó chính phủ có trách nhiệm tối cao trong việc xây dựng và thực thi các luật lệ của hệ thống.

Thách thức thứ hai cho các nhà dân chủ xã hội là làm sao để không vô tình quẳng đi những thứ quý giá lẫn trong đống đồng nát. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn tiến và mọi hộ gia đình trên toàn thế giới đều cảm nhận sự tác động mạnh của vấn đề công ăn việc làm thì áp lực đối với việc trở lại mô hình nhà nước bao cấp toàn bộ và từ bỏ mục tiêu xây dựng thị trường mở cửa, cạnh tranh trong và ngoài nước sẽ trở nên rất lớn.

Chủ nghĩa bảo hộ đang bắt đầu trở nên rõ ràng, cho dù ít thô thiển và mang hình thái tinh vi hơn nhiều so với Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley ra đời năm 1930. Song dù ở mức độ thấp hay cao thì chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn vẫn là con đường biến suy giảm thành suy thoái, vì nó khiến cầu trên toàn thế giới càng suy giảm trầm trọng. Các nhà dân chủ xã hội luôn đòi hỏi rằng, để đảm bảo tính hợp thức về mặt chính trị, chủ nghĩa bảo hộ phải có khả năng cân bằng khu vực công và tư, lợi nhuận và tiền công, thị trường và nhà nước. Với những thách thức hiện nay, đòi hỏi này một lần nữa trở nên rõ ràng và có tính thuyết phục.

Một thách thức nữa cho các chính phủ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay là mức độ gần như chưa từng có của nó trên phạm vi toàn cầu. Các chính phủ cần xây dựng những quy định tài chính quốc tế nhất quán để ngăn chặn khả năng xấu nhất, khi nguồn vốn chảy sang những lĩnh vực được điều tiết yếu nhất của nền kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải thiết lập các chuẩn mực công khai hoá cao hơn cho các định chế tài chính đóng vai trò quan trọng trong hệ thống. Đồng thời, chúng ta cũng phải thiết lập những khung khổ giám sát chặt chẽ hơn để khuyến khích hoạt động quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm, kể cả chế độ đãi ngộ đối với các lãnh đạo.

Thế giới ngày nay đang chuyển sang điều phối hành động chính phủ thông qua G20 (Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương) nhằm cung cấp tính thanh khoản tức thời cho hệ thống tài chính toàn cầu, điều phối các gói kích thích tài chính đủ để đáp ứng khoảng cách về phát triển tạo ra từ cuộc suy thoái toàn cầu, cấu trúc lại các quy định điều tiết cho tương lai, cải tổ lại các định chế công toàn cầu hiện có - đặc biệt là IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) - để tạo cho các tổ chức này quyền lực và nguồn lực cần thiết cho việc các yêu cầu của thế kỷ 21. Hệ thống quản trị của IMF cần được cải tổ. Nếu muốn những nền kinh tế phát triển nhanh như Trung Quốc đóng góp nhiều hơn trong các định chế đa phương như IMF, các nền kinh tế này phải được tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định tại những diễn đàn này.

Thách thức mang tính dài hạn hơn đối với các chính phủ là việc đối phó với những yếu tố bất cân bằng đã góp phần tạo ra sự bất ổn định của kinh tế thế giới trong thập kỷ qua, đặc biệt là sự bất cân bằng giữa các nền kinh tế thặng dư lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và các nước xuất khẩu dầu mỏ với những nước mắc nợ lớn như Mỹ.

Mức độ của khủng hoảng và ảnh hưởng của nó trên khắp thế giới nói lên rằng những điều chỉnh nhỏ trong các hệ thống chính thống tồn tại lâu đời sẽ không giải quyết được. Có hai sự thực đã được chứng minh rằng các thị trường tài chính không luôn tự điều chỉnh hoặc tự điều tiết, và chính phủ trên phạm vi quốc gia hay toàn cầu không bao giờ có thể từ bỏ trách nhiệm duy trì sự ổn định kinh tế.

Đối với các chính phủ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu một cách đúng đắn về điều đó để không chỉ cứu hệ thống thị trường mở khỏi sự tự diệt vong mà còn xây dựng lại lòng tin vào thị trường được điều tiết tốt để tránh những phản ứng thái quá từ phía cực Tả hay cực Hữu.

Các chính phủ cần hiểu một cách đúng đắn bởi cái giá phải trả là rất cao: Chi phí kinh tế và xã hội cho tình trạng thất nghiệp lâu dài; Tình trạng đói nghèo gia tăng trở lại ở các nước đang phát triển; Ảnh hưởng đối với những cấu trúc quyền lực dài hạn trong trật tự chính trị và chiến lược quốc tế hiện nay. Thành công không phải là một sự tuỳ chọn. Có rất nhiều điều phụ thuộc vào khả năng của chúng ta để giành chiến thắng.