“BALGO: Nghệ thuật đương đại Ôxtrâylia của vùng đồi Balgo”
Bộ Ngoại giao và Thương mại Ôxtrâylia (DFAT) rất vui mừng tổ chức cuộc triển lãm “BALGO: Nghệ thuật đương đại Úc của vùng đồi Balgo”. Các tác phẩm nghệ thuật trong triển lãm này thể hiện sức mạnh và sự năng động của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Nghệ thuật của các nghệ sỹ Warlayirti ở vùng đồi Balgo, miền tây Ôxtrâylia.
Cộng đồng Balgo nhỏ bé, còn được gọi là Wirrimanu trong ngôn ngữ Kukatja, là một trong những khu dân cư hẻo lánh nhất của Ôxtrâylia: cách Darwin 900 km về phía Bắc, cách Alice Spring 800 km về phía Đông Nam và cách Perth 1800 km về phía Tây Nam. Balgo nằm trên con đường truyền thuyết của Luurnpa – “Chim bói cá tổ”, ở sâu trong sa mạc phía Tây, nơi mà sa mạc Great Sandy và các sa mạc Tanami gặp nhau.
Dân địa phương ở đây được gọi chung là Kutjungka, có nghĩa là “cùng một nền văn hoá”, bao gồm ít nhất 7 cộng đồng ngôn ngữ bản địa khác nhau: Kukatja, Walmajarri, Warlpiri, Pintupi, Ngardi, Wangkatjungka và Tjaru. Nhiều người Kutjungka có quan hệ gia đình và sự kết nối văn hóa với những cộng đồng ở các sa mạc, trong đó có Papunya cách 1000 km về phía Bắc, dẫn đến trào lưu hội hoạ đương đại bản xứ ở Ôxtrâylia trong thập niên 70 của thế kỷ XX.
Những họa sĩ của vùng đồi Balgo gồm một thế hệ những người già đã sinh ra và lớn lên theo tục lệ bộ lạc ở vùng đất này. Khi còn trẻ, họ là những người săn bắt, hái lượm trong môi trường khắc nghiệt của sa mạc phía Tây và chịu sự chi phối của tập tục truyền thống chặt chẽ. Chính nhờ những hiểu biết về truyền thống, về xứ sở mà họ được thừa hưởng, về các câu chuyện và những nghi lễ Tjukurrpa (chuyện khởi thuỷ) mang đầy chất thần thoại, các nghệ sĩ Balgo ngày nay vẽ theo một phong cách mới, đầy sức sống, hoà trộn cổ điển với hiện đại, sử dụng hình ảnh trừu tượng để miêu tả phong cảnh, thông qua tôn giáo để miêu tả chính trị.
Với các bức vẽ đương đại và những bản khắc dùng axít, cuộc triển lãm này giới thiệu một loạt câu chuyện, miêu tả sự kết nối mạnh mẽ giữa thổ dân với truyền thống của họ cũng như cách mà các truyền thống đó đang được duy trì và kỷ niệm ngày nay.
Các nghệ sỹ Warlayirti
Trong những truyền thống nghệ thuật cổ nhất thế giới, nghệ thuật bản địa đương đại của Ôxtrâylia là một nền nghệ thuật đầy cảm hứng. Vùng sa mạc trung tâm Ôxtrâylia là nơi sinh ra một số trung tâm nghệ thuật thổ dân, nơi nuôi dưỡng sự sáng tạo, giúp văn hoá và truyền thống thăng hoa.
Những năm gần đây, tại Trung tâm Nghệ thuật Warlayirti ở vùng đồi Balgo đã nổi lên những họa sĩ đương đại hàng đầu của Ôxtrâylia. Họ nổi tiếng về cách dùng màu tươi sáng, rực rỡ và thiết kế táo bạo, để miêu tả bầu trời xanh ngắt và màu đất đỏ của sa mạc phía Tây, phản ánh những thay đổi của cảnh sắc vốn bình thường rất khô cằn, sau các trận mưa bỗng tràn ngập sức sống với những hốc đá, những vũng nước và những bụi hoa tươi tắn sắc màu.
Có nhiều họa sỹ Ôxtrâylia nổi lên bởi phong cách riêng, trong đó có những ngôi sao tầm cỡ quốc tế, như: Lucy Yukenbarri với phong cách kinti-kinti (“cận-cận”, xếp các chấm cạnh nhau để tạo thành một nét đậm); Susie Bootja Bootja với các mảng chấm màu sáng tạo; Helicopter Tjungurrayi với các đường song song nổi bật, hướng chúng ta tới những mô-típ ngập nước ở vùng trung tâm Australia; Boxer Milner với các ý niệm đồ hoạ trừu tượng về vùng đất ngập lụt ở Sturt Creek; Eubena Nampitjin với phong cách rất đặc trưng khi miêu tả vùng đất gắn liền với tuổi trẻ của chị.
Chủ đề tranh của Bob Dingle Tjapanangka và John Lee Tjakamarra trong triển lãm này là Luurnpa (“Chim bói cá tổ”), người đã dẫn dắt tộc Kukatja tới những vùng đất trong mơ của họ. Fred Tjakamarra thể hiện cây cối và các mầm cây gắn liền với vùng đất của ông chung quanh hồ Hazlett. Tương tự như vậy, Tjumpo Tjapanangka vẽ về vùng Wilkinkarra và hồ MacKay. Joan Nagomara vẽ bằng phong cách của những ngày trước đây, khi Balgo mới xuất hiện, và cho ta thấy những hoạt động nghi lễ đã gắn kết bà với vùng quê của mình, ví dụ như tục cắt tóc.
Một Kathleen Paddoon với những tranh vẽ đơn giản, nhưng gây ấn tượng mạnh bằng gam màu đỏ và trắng bắt nguồn từ các vùng đồi núi của bà và câu chuyện về Seven Sisters; một Lucy Loomoo mãnh liệt và một Elizabeth Nyumi tinh tế cùng diễn tả những nguồn nước nuôi sống họ và cây cỏ tươi tốt chung quanh; một Ningie Nangala mô tả vùng đất của mình với nhiều hốc đá lớn bằng những đường kẻ, và một Brandy Tjungurrayi cho ta thấy một loạt cảnh quan đầy màu sắc, thể hiện các vùng ngập nước và những hình tượng quan trọng trong các truyền thuyết tổ tiên.
Các nghệ sĩ của thế hệ kế cận cũng nhanh chóng được công nhận: Pauline Sunfly (vẽ về vùng Wilkinkarra với một sự phối hợp màu sắc đáng kinh ngạc), Miriam Baadjo (với tác phẩm quan trọng “Truyền thuyết Hai em bé”) và Jimmy Tchooga (mang đến cho chúng ta câu chuyện về những sáng tạo của bố mình). Họ đều đang tìm được lối đi riêng của mình.
Tất cả các nghệ sĩ tham gia triển lãm này là những người luôn nghĩ về “đất nước”, một khái niệm kết hợp giữa gia đình, lịch sử, tri thức, luật pháp và tính cách cũng như là vùng đất hay nơi ở của họ.
Bằng tranh của mình, họ không những tiếp tục duy trì văn hoá truyền thống một cách mạnh mẽ, mà còn hào phóng mời giới yêu nghệ thuật khắp nơi trên thế giới thưởng thức và tìm hiểu kỹ hơn về nền văn hoá của họ.