Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Thông tin về một số dự án ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Thông tin bổ sung về các dự án liên quan đến các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long

Tăng hiệu quả phân đạm trong sản xuất lúa

TS Phan Thị Công của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và GS Ivan Kennedy và TS Michael Rose của trường Đại học Sydney mới đây đã được nhận giải thưởng sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC.

Ivan Kennedy

Dự án ‘Tăng hiệu quả phân đạm trong sản xuất lúa’của họ đã được nhận Giải thưởng sáng tạo trị giá 200.000 đô la Mỹ tại cuộc thi Ý tưởng Phát triển Toàn cầu nhằm phục vụ cho phát triển nền nông nghiệp bền vững (Global Development Marketplace) của Ngân hàng Thế giới vào ngày 26 tháng 9 năm 2008.

Trong số 1800 dự án tham dự, có 100 đề cương lọt vào vòng cuối và chỉ có 22 được trao giải, trong đó có dự án này. Trong số 22 dự án có giải, nhóm do trường Đại học Sydney dẫn đầu là 1 trong 3 nhóm tác giả đoạt giải cao nhất.và TS Phan Thị Công, chủ nhiệm dự án phía Việt Nam đã được mời dự buổi ăn trưa và trao đổi thông tin dự án cùng với ngài Robert Zoellick, chủ tịch Ngân hàng Thế Giới

Các đối tác Việt Nam của dự án gồm có Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Phân vi sinh tại Hà Nội, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (MDI) của TS Trần Thanh Bé tại Trường Đại học Cần thơ.

Dự án sử dụng công nghệ phân vi sinh - kết quả của một nghiên cứu hợp tác do Việt Nam và trường Đại học Tổng hợp Sydney thực hiện (dự án SMCN/2002/073 do ACIAR tài trợ tên Sử dụng dinh dưỡng hiệu quả trong sản xuất lúa ở Việt Nam bằng cách bón phân vi sinh) dựa trên ý tưởng ban đầu của GS Nguyễn Thanh Hiền, ở Hà Nội. Dự án của ACIAR vừa kết thúc năm 2008 đã đáp ứng nhu cầu giảm chi phí sản xuất của bà con nông dân trồng lúa bằng cách giảm đáng kể lượng phân đạm, dẫn đến giảm phát thải khí nhà kính ôxit nitơ.

“Ở Việt Nam, người ta thường dùng khoảng 100 kg phân đạm/ha, và với giá phân đạm tăng khoảng gấp 3 lần so với 2 năm trước – chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao – đã làm tăng thêm gánh nặng cho 30 triệu nông dân Việt Nam” GS Kennedy giải thích.

Dự án đã nghiên cứu và thí điểm trên đồng ruộng của hàng trăm nông dân trồng lúa tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Kết quả cho thấy có thể giảm đáng kể lượng phân đạm nếu đảm bảo được sự có mặt của các vi sinh vật chuyên biệt vùng rễ trong bộ rễ của cây lúa. Các vi sinh vật này được bổ sung vào đất qua phân vi sinh vật được biết đến với tên gọi BioGro. Khi cây mạ trên ruộng được chủng với BioGro, chúng chỉ cần một lượng phân bón bằng 50% so với cây không có BioGro.

“Dự án này không chỉ thực sự góp phần giảm đói nghèo ở vùng nông thôn, mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Lượng nitơ thừa thải vào môi trường sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và làm tăng hiện tượng trái đất ấm lên toàn cầu – ôxit nitơ là một loại khí nhà kính có mức độ gây hại gấp khoảng 300 lần so với khí các-bon-nic. Nông dân cũng cho biết rằng những cây có vi sinh khoẻ hơn và kháng lại thiệt hại do nấm và côn trùng nhiều hơn.”

Khoản tài trợ của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp nhân rộng dự án, GS Kennedy cho biết. “Một công ty mẹ sẽ chuyển nhượng quyền sản xuất cho các nhà máy cấp tỉnh ở Việt Nam, cung cấp men để sản xuất BioGro. Khoản tài trợ này cũng sẽ được sử dụng để phát triển một chuỗi cung ứng thực sự từ nhà máy tới người nông dân. Quản lý chất lượng là một vấn đề quan trọng trong giai đoạn này”.

Hợp phần chính của dự án là chuyển giao công nghệ và kỹ thuật. TS trẻ Mick Rose của Trường Sydney - một thành viên của nhóm dự án và là Sứ giả trẻ của chương trình AusAID – đang đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam trong việc xác định và đếm số lượng vi sinh vật trên lúa. Năm tới, 2 nghiên cứu sinh Việt Nam sẽ sang trường Đại học Sydney để học về những kỹ thuật quản lý chất lượng tinh xảo này theo chương trình học bổng ALA của AusAID.


Bón phân vi sinh cho lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đặng Kiều Nhân1 và Phan Thị Công2

 1Viện nghiên cứu & phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ
2Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam


Canh tác lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản của quốc gia. Dự thảo “chiến lược an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” xác định tầm quan trọng chiến lược của sản xuất lúa ở ĐBSCL, theo đó diện tích lúa ở đây sẽ được duy trì khoảng 1,7 triệu ha.

Kết quả nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho thấy mức độ thâm canh của sản xuất lúa ở ĐBSCL vẫn tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn 2000–2007, diện tích canh tác lúa của vùng có khuynh hướng giảm, trung bình 1%/năm, do chuyển dịch sản xuất lúa sang cây trồng khác hoặc thủy sản, nhưng sản lượng lúa vẫn tăng đều đặn 2%/năm. Thâm canh lúa bằng cách tăng vụ và gia tăng đầu tư vật tư nông nghiệp thì không phải là giải pháp tốt về kinh tế và bền vững về môi trường. Năng suất lúa phụ thuộc rất nhiều vào việc đầu tư phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong khi đó lợi tức sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào giá lúa thị trường. Điều đáng lo ngại là trong vài năm trở lại đây, giá vật tư nông nghiệp tăng nhanh hơn giá lúa thị trường.

Trong những năm 2005–2007, với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Australia (ACIAR), các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Phân Vi sinh Hà Nội và Trường Đại học Sydney, Australia đã nghiên cứu (dự án SMCN/2002/073) và thấy rằng các chủng vi sinh trong phân BioGro có thể cải thiện hiệu quả sử dụng phân đạm và phân lân trong sản xuất lúa trên nhiều loại đất khác nhau ở vùng Đông và Tây Nam bộ. Với kết quả đó, ACIAR tiếp tục tài trợ cho nhóm nghiên cứu nhằm thẩm định kết quả nghiên cứu này trên các tỉnh phía Nam đồng thời thực hiện những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá mối quan hệ giữa hoạt tính của các vi sinh vật trong phân và độ phì thực tế của đất và ứng dụng được trong thực tế sản xuất. Mục tiêu của nghiên cứu là giúp người nông dân giảm lượng phân đạm hoá học sử dụng để giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất lúa thông qua sử dụng các chủng vi sinh có ích trong phân BioGro. Kết quả nghiên cứu ứng dụng này sẽ góp phần nâng cao tính bền vững về kinh tế và môi trường trong sản xuất lúa cao sản.

Từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2009, nghiên cứu được thực hiện trên 10 ruộng của nông dân ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và trên 8 ruộng của nông dân ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Điểm nghiên cứu đại diện cho 2 tiểu vùng sinh thái sản xuất lúa thâm canh của ĐBSCL. Xã Mỹ Thành Nam là vùng đất phù sa, nước ngọt, tưới tiêu chủ động và được xem là vùng thâm canh lúa cao nhất ở ĐBSCL. Ở đây, canh tác lúa 3 vụ/năm được thực hiện từ đầu thập niên 1980. Xã Tân Bình được xem là vùng nước ngọt, nhiễm phèn trung bình, tưới tiêu chủ động và bắt đầu canh tác lúa 3 vụ/năm từ 1995.

Phương pháp phát triển kỹ thuật có tham gia của người nông dân được áp dụng trong các nghiên cứu này. Nông dân và cán bộ khuyến nông ở địa phương cùng cán bộ nghiên cứu phân tích vấn đề và giải pháp cải thiện hiệu quả sản xuất lúa ở địa phương, triển khai thí nghiệm thực tế trên ruộng của nông dân, thu thập số liệu, đánh giá kết quả thí nghiệm và đề xuất hướng cải tiến sắp tới. Đối với mỗi nông dân tham gia nghiên cứu, 2000 m2 ruộng được sử dụng để làm thí nghiệm và chia thành 2 lô bằng nhau: (1) bón phân hóa học theo liều lượng của người nông dân và (2) sử dụng liều lượng của người nông dân nhưng giảm từ 25 đến 50% lượng phân đạm của lô 1 đồng thời bón kèm 300 kg phân BioGro. Giống sử dụng là các giống lúa ngắn ngày có thời gian sinh trưởng 80–85 ngày. Mật độ sạ khoảng 120–150kg giống/ha. Lượng phân trung bình là 90N-70P2O5-60K2O ở huyện Cai Lậy và 80N-60P2O5-30K2O ở huyện Phụng Hiệp. Các chỉ tiêu lý-hoá học đất, đặc tính nông học và năng suất lúa, và hiệu quả kinh tế của bón phân BioGro được phân tích và đánh giá.

Quan sát trực tiếp trong thời gian làm thí nghiệm, ý kiến của nông dân ở hai điểm nghiên cứu cho rằng có bón phân BioGro và giảm phân hoá học giúp cho lúa cứng cây hơn và hạn chế đổ ngã, rễ lúa dài hơn, lá lúa bớt xanh và như vậy ít sâu bệnh hơn. Tuy nhiên, nông dân cũng cho rằng phân BioGro nặng và ướt nên khó bón và tốn nhiều công lao động. Do đó, gia tăng mật số vi sinh để làm giảm lượng phân phải khuân vác ra đồng và chọn chất nền thích hợp cho phân BioGro cần được quan tâm.

Kết quả tính toán sơ bộ cho thấy hiệu quả phân BioGro trên năng suất lúa ở vụ hè thu trong thí nghiệm này thấp hơn trong vụ đông xuân của các nghiên cứu trước đây. Hơn nữa, tính khả thi về mặt kinh tế của việc áp dụng phân vi sinh này còn tùy thuộc vào giá thành sản xuất phân vi sinh và giá phân hoá học trên thị trường. Ngoài ra hiệu quả của việc giảm 50% lượng phân đạm bón sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và sức khỏe cộng đồng thông qua giảm thiểu dịch hại, mà điều này chưa được đánh giá. Nhóm nghiên cứu tiếp tục làm thí nghiệm trên ruộng của nông dân để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của phân BioGro trước khi triển khai ra diện rộng ở ĐBSCL.


Những kế hoạch nghiên cứu trong tương lai về Thích nghi trong các hệ thống sản xuất lúa gạo mang tính thời vụ

Geoff Morris, ACIAR

Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế của Australia (ACIAR) là một cơ quan nghiên cứu độc lập trực thuộc Bộ Ngoại giao. Là một phần trong chương trình viện trợ nước ngoài của Australia, ACIAR tài trợ cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở các nước đang phát triển. Mô hình của ACIAR là tài trợ cho các dự án, chú trọng tăng cường năng lực, thông qua đó thiết lập mối quan hệ nghiên cứu lâu dài.

ACIAR hiện nay đã đồng ý về mặt nguyên tắc tài trợ cho một dự án nghiên cứu trong 4 năm (2010-2014) về Các hệ thống canh tác lấy cây lúa làm cây trồng chính ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quy mô của dự án này dự tính khoảng US$3,5 triệu đô la Úc và do Viện nghiên cứu lúa quốc tế chủ trì. Đối tác chính phía Việt Nam sẽ là Đại học Cần Thơ, Trung tâm nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện nghiên cứu và quy hoạch thuỷ lợi và Viện khoa học nông nghiệp. Các đối tác của Australia bao gồm trường Đại học quốc gia Australia (ANU) và Trung tâm nghiên cứu lúa Yanco.

Dự án nghiên cứu này sẽ tập trung xây dựng một hệ thống canh tác có thể thích ứng với điều kiện ngập lũ và xâm mặn. Dự án sẽ có 4 hợp phần. Hợp phần đầu tiên sẽ hỗ trợ việc áp dụng và thử nghiệm trồng những giống lúa và một số cây trồng khác chịu ngập và chịu mặn. Hợp phần hai tập trung vào quản lý cây trồng và quản lý nước, bao gồm nghiên cứu kỹ thuật canh tác nông nghiệp (đất, nước và quản lý chất dinh dưỡng), thay đổi cơ chế thủy nông và đánh giá về các hệ thống canh tác khác nhau (ví dụ như mô hình lúa –tôm, lúa kết hợp các cây trồng khác). Hợp phần 3 về nghiên cứu kinh tế xã hội nhằm hiểu rõ những động lực và trở ngại đối với nông dân trong việc áp dụng những biện pháp canh tác mới. Bên cạnh đó các biện pháp đo lượng phát thải khí nhà kính sẽ được tiến hành để có thể hiểu rõ về phát thải từ các hệ thống canh tác khác nhau.

Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu trên sẽ đưa ra một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế nông nghiệp và xây dựng một hệ thống nông nghiệp có khả năng chống chọi tốt hơn với những thay đổi về nhiệt độ và nước. Dự án nghiên cứu này hiện đang ở giai đoạn xây dựng thiết kế và dự tính sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2010.