Trần Công ThắngViện trưởng Viện chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
“Việt Nam là một trong những nước được ưu tiên trong chính sách của Úc, họ kết nối và tạo thành quan hệ đối tác dài hạn”. |
Trần Công Thắng gọi việc anh đi học tiến sĩ ở Úc năm 2000 là “duyên”. Cái duyên và may mắn từ khi anh đang làm việc ở Trung tâm Thông tin Bộ Nông nghiệp. Trong các dự án nước ngoài tài trợ cho Bộ khi đó có dự án của ACIAR.. Chính thời gian làm việc cho các dự án của ACIAR đã đem lại cơ hội để anh giành được học bổng và đi học ở Úc trong ngành kinh tế nông nghiệp.
“Các anh chị chuyên gia đã sang Việt Nam trở thành thầy cô hướng dẫn tôi. Việc học khác rất nhiều so với tôi hình dung. Các thầy giáo rất nghiêm túc, tôi học được sự chủ động, học được cách chịu được áp lực, cách làm việc khoa học…” - anh nhớ lại.
Từ thầy giáo đến người dân Úc,mọi người đều rất thân thiện, tuyệt vời. “Tôi thấy tự hào nhất là những kiến thức mà mình học được rất nhiều.
Được làm việc với các thầy giỏi, được tiếp xúc với các chương trình đào tạo, tài liệu, tham gia hội thảo, có cơ hội kết nối mạng lưới rất hữu ích về chuyên môn đã giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng IPSARD sau này. Hệ thống đơn vị của ACIAR (văn phòng ACIAR tại Việt Nam và Tại Đại Học nơi tôi học) hỗ trợ tôi rất tốt trong suốt quá trình tôi học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, chúng tôi vẫn là những đồng nghiệp, những người bạn trân quý!”
Tiến sĩ Trần Công Thắng đánh giá cao các dự án mà Úc tài trợ cho Viện IPSARD trong nhiều năm qua. Trong dự án Aus4Reform về chuyển đổi thể chế, Úc đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng nhiều chính sách, trong đó có chính sách tái cơ cấu ngành lúa gạo. Gần đây là các kết nối phát triển dự án liên quan đến bảo hiểm cà phê.
Tiến sĩ Trần Công Thắng đặc biệt ghi nhận việc Úc cấp học bổng cho cán bộ của Viện, trong đó có điểm rất mới và rất linh hoạt là có thể học tại Việt Nam hoặc sang Úc. “Vừa rồi chúng tôi ký thỏa thuận hợp tác với Đại học New SouthWale rồi đại học Queensland và các trường đại học khác. Các cán bộ Viện được hỗ trợ đào tạo bên Úc khá nhiều.
“Việt Nam là một trong những nước ưu tiên tđối với Úc. Họ kết nối và tạo thành quan hệ đối tác dài hạn. Cách họ hỗ trợ như thế vừa tốt cho cả Việt Nam và cả Úc” - anh nói.
Anh Thắng cho rằng còn nhiều dư địa để hai bên thúc đẩy quan hệ, đặc biệt trong những vấn đề mới như phát triển nông nghiệp bền vững, đánh giá về môi trường trong phát triển nông nghiệp, số hóa trong nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác nữa