Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Tiến sĩ Phan Thúy Hiền - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu

 

Phan Thúy Hiền

Phó Viện trưởng Viện Dược liệu 

 

“Dấu ấn ACIAR rất rõ ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long… là các vùng Việt Nam mong muốn phát triển”. 

Nhắc đến kết nối của mình với nước Úc, chị Hiền nhắc ngay đến một người thầy từ hơn 20 năm trước mà chị vô cùng trân trọng: Đó là Giáo sư trưởng khoa Nông nghiệp của Đại học Sydney.  

Khi đó Giáo sư đang tham gia một dự án của ACIAR ở Việt Nam. Tình cờ chị Hiền gặp ông qua một người bạn, chính ông đã khuyến khích chị đi học tiến sỹ. Chị là một trong những người đầu tiên được nhận học bổng 322 của Chính phủ Việt Nam. Giáo sư đã bảo lãnh và hướng dẫn chị tại Đại học Sydney và đến giờ vẫn là người dẫn dắt có ảnh hưởng lớn với chị. 

Khi làm đề tài nghiên cứu ở Úc về bệnh cây, chị Hiền đã tìm ra một loài nấm mới gây bệnh cho cây trồng và nó được đặt  theo tên của chị. Giáo sư đã hỗ trợ để chị được đăng bài trên tạp chí về nấm nổi tiếng trên thế giới và đi dự hội nghị thế giới về bệnh cây ở New Zeland. 

Chị Hiền hoàn thành luận án tiến sỹ và trở về Việt Nam năm 2004 đúng lúc Giáo sư đang thực hiện dự án khác do ACIAR tài trợ về chẩn đoán  và phòng trừ bệnh cây và khuyến nông ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam. Giáo sư đã mời học trò của mình làm điều phối viên dự án - với chị Hiền đó là điều rất may mắn, nhưng cũng là thời kỳ rất vất vả. Mỗi năm có hai đợt đi công tác địa phương, mỗi đợt 3-5 tuần, mà lúc đó chị Hiền có con nhỏ mới 6 tháng. Chị đã đưa cả con cùng bà nội của bé đi công tác cùng. Ban ngày mẹ đi làm, trưa về chăm con, còn bà nội trông cháu cả ngày. 

Dù vất vả nhưng đó là thời gian mà chị HIền thấy cực kỳ ý nghĩa, đóng góp nhiều vào sự phát triển nghề nghiệp chuyên môn của chị, cũng như các dự án ACIAR mà chị tham gia. Sau dự án, “Cẩm nang chẩn đoán bệnh cây tại Việt Nam” ra đời mà chị Hiền là một trong bốn tác giả, cuốn sách được rất nhiều bên đánh giá cao. 

Năm 2008, chị HIền lại có cơ hội làm điều phối viên cho một dự án khác do ACIAR tài trợ về sản xuất rau an toàn cho phụ nữ dân tộc thiểu số ở Phú Thọ và Lào Cai. Dự án để lại dấu ấn khi giúp những người phu nữ ở các vùng cao sản xuất các loại rau bản địa ở quy mô thương mại, đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng. 

Tiếp nối là dự án của ACIAR về xây dựng hệ thống sản xuất kinh doanh rau bền vững, hiệu quả ở vùng Tây Bắc tập trung vào bà con người Mông ở Lào Cai, trong đó chị Hiền cũng làm điều phối viên. 

“Ba dự án đó là mối lương duyên của tôi với ACIAR trong 15 năm. Làm việc với ACIAR, tôi có cơ hội được kết nối với các trường đại học và các nhà khoa học Úc, được tăng cường năng lực” - chị Hiền cho biết. “Trong quá trình làm dự án, tôi lại có cơ hội đi học ở Úc theo học bổng John Dillon cho lãnh đạo trẻ”. 

Hiện tại, chị Hiền cùng các đồng nghiệp ở Viện Dược liệu và chuyên gia từ Úc lại tiếp tục xây dựng một dự án nữa với ACIAR để làm về cây dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số. Chị tin rằng dự án rất tiềm năng vì phù hợp với mục tiêu của cả Việt Nam và ACIAR. 

“Với ACIAR, tôi coi như đối tác số 1. Cả gia đình tôi cũng gắn bó với ACIAR”. Chị Hiền tiết lộ rằng chồng chị cũng nhận được học bổng ACIAR để làm tiến sỹ ở Úc. 

Là một chuyên gia về nông nghiệp, chị Hiền đã dùng một từ không thể phù hợp hơn khi nói về quan hệ Việt - Úc: “Đơm hoa kết trái” (Fruitful), cùng với từ “Phát triển mạnh mẽ” (Strong Development) và “Bền vững” (Sustainablity).