|
Nguyễn Xuân VangNguyên Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo
"Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, nên Việt Nam và Úc nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược là rất phù hợp để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục. Đó luôn là điểm nhấn, là then chốt giữa trong quan hệ hai nước vì nó tăng cường quan hệ con người với con người về lâu dài." |
Nhiều người vẫn nhớ ông Nguyễn Xuân Vang đã đi tiên phong khi mở Trung tâm tư liệu và giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành đầu tiên ở Hà Nội năm 1991. Lúc đó Việt Nam vẫn còn chịu lệnh cấm vận của Mỹ, mọi việc đều khó khăn, nguồn sách vở, tài liệu rất hiếm. Đại sứ Úc khi đó là ông Graham Alliband đã quyết định hỗ trợ cho Trung tâm 20.000 đô la Úc để mua các thiết bị hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh bao gồm máy photocopy, máy cassette, máy in băng nhanh… Hỗ trợ ban đầu đó rất giá trị để trung tâm hoạt động, mở cửa cho tất cả mọi người đến lấy tư liệu miễn phí, cung cấp tư liệu cho các trường, giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành cho nhiều người, có cả những người sau này trở thành cán bộ cấp cao trong chính phủ.
Cơ duyên để có sự hỗ trợ đó là từ việc ông Vang tham gia dự án hợp tác giáo dục giữa Úc và Việt Nam lần đầu tiên năm 1984. Đến giờ ông vẫn nhớ tên dự án là VIE/84/R51 về tăng cường năng lực giảng dạy tiếng Anh cho Việt Nam, do Úc viện trợ thông qua UNDP. Phía Úc đã cử các giáo sư từ Đại học Canberra sang giúp Việt Nam lắp đặt hệ thống xưởng in tài liệu, băng sách ngay tại Trường Đại học Ngoại ngữ và hỗ trợ đào tạo giáo viên tiếng Anh từ các nơi về học, cấp hàng chục học bổng mỗi năm cho người Việt Nam sang Úc học thạc sỹ, đào tạo tăng cường tiếng Anh cho cán bộ chủ chốt các ngành.
Kể từ đó, trải qua các cương vị khác nhau, ở trường Đại học Ngoại ngữ, Trung tâm Đào tạo Việt-Úc, tại Bộ Giáo dục – Đào tạo, hoặc giữ vai trò phụ trách các vấn đề giáo dục trong các đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam sang Úc, ông Vang luôn là một trong những đầu mối kết nối lĩnh vực giáo dục hai nước.
Một chương trình hợp tác mang dấu ấn là khi ông Vang giữ cương vị Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, ông đã đặt nền móng để xây dựng một trong những chương trình liên kết đào tạo quốc tế đầu tiên ở Hà Nội mà cho đến giờ vẫn “chạy” tốt: Đó là chương trình liên kết từ năm 2002 giữa Đại học Ngoại ngữ, nay là Đại học Hà Nội, với Đại học La Trobe của Úc – trường nằm trong danh sách 300 đại học tốt nhất thế giới. Trải qua 20 năm, chương trình đào tạo thành công hơn 3.000 cử nhân kinh doanh và hơn 1.000 thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, trở thành chương trình liên kết đào tạo uy tín và có những đóng góp nổi bật về xây dựng nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Vang là trưởng nhóm công tác về giáo dục với phía Úc, gồm các đại diện bộ ngành của Việt Nam hàng năm rà soát lại các hoạt động hợp tác giáo dục, đưa ra các đề xuất làm sao phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và để viện trợ của Úc ở Việt Nam hiệu quả nhất.
Với tư cách là Nguyên Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (VIED), ông Nguyễn Xuân Vang cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với hơn 20 trường đại học của Úc để họ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp nhận người Việt Nam sang học, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ, giúp giảm bớt chi phí đào tạo, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Với sự hợp tác nhiệt tình từ phía các trường đại học Úc, Việt Nam chọn được hàng trăm sinh viên sang học tại Úc trong những ngành cần thiết cho đất nước, quan hệ giáo dục ngày càng chặt chẽ hơn – ông Vang cho biết.
Ngay cả bây giờ, khi đã nghỉ hưu, ông Vang vẫn tiếp tục tư vấn, kết nối các trường đại học Việt Nam và Úc. Dù làm việc với rất nhiều nước, nhưng ông Vang nói rằng với Úc ông cảm thấy rất gắn bó, “như có duyên tiền định”, là nơi ông có nhiều bạn bè thân thiết, và mỗi lần sang Úc ông cảm thấy như được về nhà