Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam

 

Nguyễn Thu Anh

Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam 

Giáo sư Y tế công cộng, Đại học Sydney, Úc 

 

“Việc hai giáo sư người Úc nằm trong danh sách các tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ thể hiện sự hợp tác lâu dài, bền chặt của nhân dân Việt Nam và Úc, cũng như của nền khoa học hai nước.” 

 

Sự tin tưởng, kiên trì, đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu, tôn trọng đối tác - đó là cách Giáo sư Nguyễn Thu Anh mô tả về hợp tác Việt – Úc. 

 

Là nhà nghiên cứu dịch tễ học và khoa học xã hội, bác sĩ Thu Anh hiện là Giám đốc Quốc gia của Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, một cơ sở liên kết của Đại học Sydney Australia.

Dự án hợp tác có bề dày nhất và thành công vang dội nhất của Woolcock với các đồng nghiệp Việt Nam là cụm công trình nghiên cứu về bệnh lao với nguồn tài trợ chủ chốt từ Chính phủ Úc. 

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả, ngắn ngày và an toàn hơn, cũng như can thiệp nhằm xóa bỏ bệnh lao trong cộng đồng, làm thay đổi quan điểm trên toàn cầu về cách ứng phó với bệnh lao. Chị Thu Anh cho biết: “Các kết quả nghiên cứu do người Việt và người Úc đồng tác giả đã được công bố trên những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, và đóng góp vào việc thay đổi chính sách không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, cứu sống rất nhiều người… WHO đã sử dụng kết quả này để đưa vào hướng dẫn chăm sóc điều trị lao trên toàn cầu”.

Cụm công trình nghiên cứu này đã giành Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2022. Nhóm nghiên cứu gồm 23 nhà khoa học về hô hấp, trong đó có 3 nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam, gồm giáo sư Thu Anh và hai giáo sư người Úc là Greg Fox và Guy Marks. 

Trong đại dịch Covid-19 năm 2020, chị Thu Anh đề xuất Bộ Ngoại giao Úc hỗ trợ cho Woolcock Việt Nam nghiên cứu để ứng phó với Covid-19. Khoản tài trợ chỉ 370.000 đô la Úc nhưng rất linh hoạt và hiệu quả. Khi Covid-19 còn chưa được đánh giá đầy đủ ở Việt Nam, Woolcock đã đi tiên phong tham vấn cho Bộ Y tế, các cơ quan chính phủ Việt Nam và các bệnh viện. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá và dự báo các cấp độ dịch bệnh và đề xuất biện pháp ứng phó tương ứng, bao gồm cả chiến lược vắc-xin cho quốc gia. Quan trọng nhất là, nhóm đã tham vấn xây dựng kế hoạch để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, dẫn tới sự ra đời của Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Để công chúng và các nhà hoạch định chính sách biết đến những khuyến nghị của Woolcock, trong một năm chị Thu Anh đã viết tới 150 bài báo về Covid-19. 

Một thành công khác của Woolcock khi hợp tác với Việt Nam là Dự án phòng chống kháng kháng sinh do Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ. Dự án đã xây dựng mô hình can thiệp để quản lý việc sử dụng kháng sinh đúng cách, từ đó phòng sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng kháng sinh. Mô hình can thiệp ở tuyến huyện này được Bộ Y tế Việt Nam sử dụng để xây dựng sổ tay hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho khoảng 700 bệnh viện tuyến quận huyện trên toàn quốc. 

Dựa trên những thành công trong hợp tác nghiên cứu khoa học Việt - Úc, bác sĩ Thu Anh đã đề xuất Đại học Sydney, Úc thành lập Viện Đại học Sydney Việt Nam để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với các cơ sở nghiên cứu giáo dục hàng đầu của Việt Nam cũng như đề cao hợp tác khoa học hai bên. Viện Đại học Sydney Việt Nam đã có giấy phép để trở thành viện đa ngành trong các lĩnh vực như y tế, nghệ thuật - khoa học xã. hội, biến đổi khí hậu… Tầm nhìn của Viện Đại học Sydney Việt Nam là hình thành một mạng lưới các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục đa lĩnh vực hàng đầu, làm việc cùng nhau để phát triển các giải pháp nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, xã hội và môi trường.