Nguyễn Thị Thanh HảiPhó Giáo sư, Tiến sỹ, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
"Nhân quyền là một điểm nhấn trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. Với Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì sự hợp tác này là một dấu ấn." |
Với chị Nguyễn Thị Thanh Hải, 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia được tổng kết trong 3 từ: Thực chất - Bình đẳng giới - Giáo dục. Đó cũng là những giá trị mà cá nhân chị nhận được từ việc hợp tác song phương.
Thực chất - nghĩa là quan hệ Việt Nam - Australia không chỉ là ngoại giao, mà là hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực. Với chị Hải, chị đã được nhận học bổng của Chính phủ Úc để có được học vị tiến sỹ được công nhận quốc tế.
Bình đẳng giới - đó là một ưu tiên rất phù hợp trong quan hệ hai nước, một lĩnh vực được coi trọng ở Australia trong khi với Việt Nam, đôi khi vẫn còn là rào cản trong phát triển, chẳng hạn việc phụ nữ Việt Nam phải vượt qua rất nhiều khó khăn để theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Giáo dục - chị Hải thấy rằng giáo dục sau đại học của Australia rất ấn tượng, và đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng của hai nước để đào tạo ra những người có năng lực để tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách ở Việt Nam.
Australia là một trong những đối tác đầu tiên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh từ năm 1995 cho đến nay trong lĩnh vực nhân quyền. Hai bên đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tập huấn kiến thức cơ bản về quyền con người cho đội ngũ giảng viên của Học viện và cán bộ của nhiều cơ quan, ban ngành Việt Nam. Học viện cũng được các đối tác Australia hỗ trợ xây dựng nguồn tài liệu trong lĩnh vực luật quốc tế về quyền con người, xây dựng tài liệu giảng dạy pháp luật về quyền con người đầu tiên.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải là người trực tiếp tham gia các dự án hợp tác song phương Việt Nam – Australia. Năm 2009 chị đi học tiến sỹ về Luật nhân quyền tại Đại học Sydney theo học bổng AUSAID. Vào thời điểm đó đây là lĩnh vực chuyên môn khá mới ở Việt Nam về mặt học thuật, và bối cảnh chính trị cũng chưa mở nhiều cho lĩnh vực chuyên môn này.
“Tôi hài lòng với mình về việc lấy được bằng tiến sĩ. Tôi phải cực kỳ cố gắng, đã có rất nhiều ngày tháng tôi bị căng thẳng trong quá trình làm luận án tiến sỹ do những khác biệt về ngôn ngữ, phương pháp nghiên cứu, tư duy học thuật ” - chị Hải nhớ lại. “Nhưng tôi có thể phát huy được các những điều mình đã được học ở Việt Nam và đem lại những kết quả cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu nhân quyền”.
Với luận án tiến sỹ về trách nhiệm nhân quyền của doanh nghiệp trong kinh doanh, khi trở về Việt Nam, chị Hải trở thành chuyên gia tư vấn, cho UNDP và nhiều tổ chức để thực hiện các nghiên cứu và hoạt động tập huấn về vấn đề này. Chị cũng cho ra mắt cuốn sách đầu tiên “Hỏi đáp về kinh doanh và nhân quyền”, tham gia rà soát và xây dựng khung pháp luật của Việt Nam về vấn đề kinh doanh và nhân quyền."
Chị Hải đã cùng với đồng nghiệp tham gia xây dựng chương trình thạc sỹ, tiến sỹ Pháp luật về quyền con người của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chị còn trực tiếp xây dựng dự án hợp tác giữa Ủy ban Nhân quyền Úc với Viện Nhân quyền về đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân. Chị Hải cho biết: “Với dự án này, các giáo viên được tập huấn và tiếp cận với phương pháp giảng dạy, với cách tư duy khá mới. Tôi rất vui khi có bạn đồng nghiệp nói rằng, nhờ hoạt động tập huấn này mà các bạn ấy yêu công việc giảng dạy về nhân quyền hơn”.
Từ góc độ tổ chức, khi giữ vị trí quản lý, chị Hải đã nỗ lực tạo ra bầu không khí học thuật hơn ở Viện nghiên cứu với các buổi sinh hoạt chuyên môn để cập nhật thông tin và nâng cao năng lực cho các giảng viên. “Đó là nhờ tôi đã được tương tác, học tập ở môi trường quốc tế, tôi mong muốn tạo dựng một môi trường học thuật tích cực cho các giảng viên trong cơ quan của mình” - chị khẳng định. “Tôi muốn chia sẻ lại cho các đông nghiệp của mình những kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực nhân quyền mà mình đã được học trong thời gian học tập ở Úc”.