Nguyễn Thị Bích HằngCEO, tổ chức phi chính phủ MSI Reproductive Choices
"Sự hỗ trợ của Chính phủ Úc cho thấy họ đi đầu trong lĩnh vực bảo vệ quyền về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Cách tiếp cận của họ mang tính lâu dài, chiến lược, có tầm nhìn xa, và điều này đã giúp MSI có điều kiện can thiệp theo từng giai đoạn để tạo ra sự thay đổi... Điều này cực kì quan trọng đối với thành công của các chương trình của chúng tôi, bởi vì tài trợ ngắn hạn rất khó để tạo ra và để duy trì bền vững những thay đổi tích cực." |
25 năm làm việc cho MSI Reproductive Choices, Bà Nguyễn Thị Bích Hằng luôn cam kết theo đuổi và thực thi sứ mệnh của MSI Reproductive Choices là “đảm bảo quyền căn bản của mỗi cá nhân trong việc sinh con theo lựa chọn, không phải ngoài ý muốn” vì bà tin rằng các hoạt động giáo dục và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản mà MSI Việt Nam đã và đang mang tới cho phụ nữ sẽ góp phần cứu sống sinh mạng và thay đổi số phận của họ. Trong đó bà đặc biệt tự hào về sự hợp tác lâu dài của MSI với Chính phủ Úc.
Từ đầu những năm 2000, MSI đã thực hiện các chương trình hợp tác với ngành y tế và dân số ở khu vực miền núi và đồng bằng phía Bắc, cũng như các tỉnh miền Trung ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại các khu vực này, tỉ lệ sinh và tỉ lệ hộ nghèo cao, nhưng các biện pháp phòng tránh thai và năng lực của nhân viên y tế còn rất hạn chế. Với sự tài trợ của Chính phủ Úc trong nhiều năm, MSI đã đào tạo cán bộ y tế công, nữ hộ sinh tuyến xã và huyện các phương pháp và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến cuối. “Chúng tôi khá tự hào vì khi đó AUSAID đã tới thẩm định và dành cho MSI sự công nhận chính thức” - chị Hằng nhớ lại.
Một chương trình có tính bước ngoặt nữa mà MSI sẽ khó thực hiện được với kêt quả bền vững nếu không có tài trợ của Chính phủ Úc trong 7 năm chính là mô hình đầu tiên và có quy mô lớn nhất về nhượng quyền xã hội trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho khu vực tư nhân. MSI đã lập chương trình đào tạo tiêu chuẩn cho 300 phòng khám sản phụ khoa ở 7 tỉnh trong các vấn đề như chống nhiễm khuẩn, cấp cứu sản khoa, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, hỗ trợ dụng cụ y tế… sau đó mở rộng đào tạo về quản lý kinh doanh, tiếp thị cho các phòng khám này.
Sau 2-3 năm huấn luyện, sự hài lòng của khách hàng tăng lên đến 90%. Mô hình nhượng quyền xã hội cho khu vực tư nhân đã giúp gia tăng dịch vụ và tính an toàn cho các phòng khám ở cộng đồng, gia tăng sự tiếp cận và tính sẵn sàng phục vụ. Chị Hằng cho biết: “Mô hình rất thành công và sau 10 năm đã phục vụ hàng chục triệu phụ nữ”.
Chương trình thứ ba có sự tài trợ của Chính phủ Úc cũng hướng tới một nhóm phụ nữ yếu thế khác là nữ công nhân ở khu công nghiệp. Chính phủ Úc đã đầu tư để MSI nâng cao năng lực cho phòng khám của một công ty sản xuất giày có tới 90.000 công nhân, 80% là nữ. Sau khoảng 3 năm can thiệp, số công nhân đến thăm khám tại phòng khám của nhà máy tăng lên tới 70%, tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở nữ công nhân giảm mạnh. Thay vì sự e ngại ban đầu, công ty đánh giá rất cao những kết quả nói trên.
Trong 2 năm 2021-2023, MSI Reproductive Choices thựchiện dự án RESPOND cũng do Chính phủ Úc tài trợ, cung cấp phản ứng nhanh với đại dịch Covid-19 thông qua hỗ trợ công nhân ở các khu công nghiệp và phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long, cao nguyên miền Trung các gói chăm sóc sức khỏe tổng quát và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Dự án còn phát triển kênh truyền thông xã hội cung cấp thông tin về sức khỏe cho công nhân các khu công nghiệp, phụ nữ nông thôn, góp phần nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới.
Chị Hằng cho biết, chị rất tự hào vì đi đến đâu câu chuyện hợp tác của MSI với Chính phủ Úc cũng được biết đến, sự hợp tác này đã góp phần thay đổi số phận nhiều phụ nữ thuộc các nhóm yếu thế ở Việt Nam và góp phần xây dựng, củng cố hệ thống y tế ở Việt Nam.