Nguyễn Công LuậtPhó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương)
“Sự hỗ trợ của Úc là rất quan trọng, nhất là đối với thành công của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 cũng như đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng cao. Kết quả là Việt Nam đã mở cửa và trở lại cuộc sống bình thường sớm hơn nhiều nước khác trong khu vực.” |
Nước Úc đã không chỉ góp phần mở mang chuyên môn cho Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Công Luật mà còn thúc đẩy tinh thần làm việc chủ động và sự tự tin khi hợp tác, điều phối với các đối tác nước ngoài. Tất cả những điều đó trở thành hành trang đi cùng TS.BS Nguyễn Công Luật trong những ngày lao vào công tác hỗ trợ việc tiếp nhận, bảo quản và phân phối hàng chục triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có hơn 26 triệu liều từ nước Úc.
Nguyễn Công Luật nhìn nhận mình thuộc diện may mắn khi nhận được tới hai học bổng của chính phủ Úc, giúp anh có cơ hội học tập sau đại học. Anh nhận bằng Thạc sĩ tại ĐH Queensland năm 2011 và sau đó là bằng Tiến sĩ từ ĐH Curtin năm 2019.
Đại dịch Covid-19 bùng nổ chỉ vài tháng sau khi anh lấy bằng tiến sĩ. Trở lại Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương trên cương vị là Phó Văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, anh nhanh chóng lao vào làm việc không quản ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản và cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Anh nhớ lại khối lượng công việc nhiều đến nỗi anh và các đồng nghiệp thường xuyên phải làm thêm giờ cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả cuối tuần và các ngày lễ, Tết. “Không có khái niệm thời gian hay làm việc giờ hành chính. Tức là cần lúc nào là làm lúc đấy thế và bọn mình thường xuyên phải ra sân bay để nhận vắc-xin. Có những chuyến nhận từ lúc 2-3g sáng. Có những chuyến đi và về vào cuối tuần.” - anh kể. Khi đó, Việt Nam chưa có hệ thống bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ lạnh sâu, nên cần phải đi xin viện trợ về hệ thống này.
Hiện nay, anh cho biết Chính phủ Úc đang tiếp tục hỗ trợ hoạt động tiêm chủng và nhiều chương trình sức khỏe-y tế khác cho Việt Nam.
Là người chọn con đường y tế dự phòng vì tin rằng đó là con đường hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người, TS.BS. Nguyễn Công Luật mong muốn Việt Nam có thể tiếp tục tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng. “Nguy cơ bệnh bại liệt hay một số dịch bệnh khác xâm nhập trở lại rất là lớn. Thế nên mình tiếp tục cần phải triển khai các hoạt động tiêm chủng để duy trì được các thành quả đã đạt được cũng như tiến tới đạt được những thành quả khác nữa, chẳng hạn như là Việt Nam đang phấn đấu để loại trừ bệnh sởi.” - anh chia sẻ.