Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Michael Parsons - Cố vấn Kỹ thuật Cấp cao

 

Michael Parsons

Cố vấn Kỹ thuật Cấp cao 

 

“Là nhà cố vấn, bạn phải đảm bảo rằng mình không lãng phí bất kỳ cơ hội nào để góp góp cho sự tiến bộ của quốc gia” 

 

Trong mười năm qua, một công dân Australia đã hai lần được vinh danh bởi chính phủ Việt Nam vì những cống hiến của mình cho đất nước. Không ai khác, đó chính là Tiến sĩ Michael Parsons, cố vấn chính sách tình nguyện của Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE). 

Những cống hiến của tiến sĩ Parsons bắt đầu từ năm 2011, khi ông vừa nghỉ hưu sau khi kết thúc công việc toàn thời gian tại Australia và trở thành tình nguyện viên tại Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) thuộc Chương trình Tình nguyện viên Australia vì sự Phát triển Quốc tế. 

Ông đã hỗ trợ ISPONRE xây dựng các văn bản chính sách quan trọng, bao gồm Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Năm 2013, ông được tặng Huân chương Chiến dịch cấp Nhà nước của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Năm 2016, ông được mời làm Cố vấn chính sách cho Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà. 

Tháng 2 năm 2020, tiến sĩ Parsons đã được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hữu nghị, danh hiệu quốc tế cao quý nhất của Việt Nam cho người nước ngoài, vì những đóng góp được đánh giá cao của ông cho sự phát triển bền vững của ngành tài nguyên và môi trường cũng như cho quan hệ giữa Việt Nam và Australia. 

Trong số những thành tựu lớn nhất của tiến sĩ Parsons, chắc chắn không thể không đề cập đến việc phát triển khái niệm "chi trả dịch vụ môi trường rừng", qua đó khuyến khích các cá nhân và cộng đồng bảo vệ rừng để đổi lấy lợi ích tài chính. Như ông từng khẳng định: "Tất cả mọi người đều hợp tác dựa trên quan điểm việc bảo tồn cần phải phục vụ người dân địa phương." 

Một số đóng góp đáng chú ý khác của ông bao gồm việc hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định 17 ngành công nghiệp dễ bị ô nhiễm và phải tuân theo các quy định riêng biệt. Cụ thể, sau vụ ô nhiễm môi trường gây xôn xao dư luận ở tỉnh Hà Tĩnh năm 2016, ông nhận thấy cơ hội để Việt Nam đánh giá lại hệ thống bảo vệ môi trường của mình. Ông đưa ra bằng chứng cho thấy, ở các nước công nghiệp hóa trước Việt Nam, một số ít doanh nghiệp rất lớn thường gây ô nhiễm nhiều hơn cả. Do đó, Việt Nam trước nhất nên chọn tập trung xử lý lĩnh vực gây ô nhiễm nhiều nhất trong nỗ lực nhằm bảo vệ môi trường. 

Nhìn lại công việc của mình tại Việt Nam, ông chia sẻ: "Là cố vấn, bạn phải đảm bảo rằng mình không lãng phí bất kỳ cơ hội nào để đóng góp cho sự tiến bộ của quốc gia. Bạn phải nắm bắt đúng thời điểm. Bạn sẽ không tạo dựng được ảnh hưởng nếu bạn lên tiếng lúc mọi người không lắng nghe. Đó là lúc họ bận rộn với những vấn đề khác. Nhưng nếu họ muốn lắng nghe giải pháp cho vấn đề họ gặp phải, khi đó bạn nên nói những điều bạn muốn nói." 

Hiện tại, công việc của tiến sĩ Parsons là hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các cuộc đàm phán hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.