|
Lương Thanh VănNhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Việt Úc
"Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là bờ biển dài 3.000km cung cấp nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Tôi mong muốn mình sẽ có thể đóng góp để mở ra hướng nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao, với sản lượng ổn định để vừa đạt giá trị kinh tế, vừa phát triển ngành tôm bền vững." |
Sau nhiều năm có sự nghiệp ổn định ở Úc, ông Lương Thanh Văn vẫn quyết định trở về quê hương phát triển ngành tôm. Nhiều người sẽ cảm thấy khó tin khi biết trước khi xây dựng Công ty cổ phần Thủy sản Việt Úc, ông Văn chưa từng có kiến thức hay kinh nghiệm gì về ngành này. Thế nhưng, chỉ 5-6 năm tập trung phát triển, doanh nghiệp của ông đã dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Trước khi trở về quê hương, ông Lương Thanh Văn đã là một doanh nhân thành đạt trong ngành may mặc và rửa ảnh. Ông từng sở hữu đến 6000 tiệm rửa ảnh lấy nhanh ở khắp các tiểu bang Úc. Thế rồi ảnh kỹ thuật số ra đời, các tiệm rửa ảnh truyền thống bị mất khách. Còn Lương Thanh Văn tìm thấy một lĩnh vực kinh doanh mới đầy hứa hẹn ở Việt Nam. Đó là ngành tôm.
Trong một chuyến về Việt Nam chơi, ông Văn dễ dàng nhìn ra được tiềm năng của ngành tôm Việt Nam. “Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là bờ biển dài 3.000km cung cấp nguồn tài nguyên vô cùng phong phú. Thời điểm tôi mới đến Việt Nam, bà con nuôi tôm còn sơ khai, manh mún và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt là họ còn sử dụng thuốc kháng sinh và bị phụ thuộc lớn vào nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu. Tôi mong muốn mình sẽ có thể đóng góp để mở ra hướng nuôi tôm thương phẩm chất lượng cao, với sản lượng ổn định để vừa đạt giá trị kinh tế, vừa phát triển ngành tôm bền vững”, ông Văn nhớ lại.
Nghĩ là làm, ông Văn vừa làm vừa không ngừng học hỏi. Ông tìm đến những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành ở Úc để tìm hiểu một cách kỹ lưỡng về ngành tôm. Ông Văn chia sẻ: “Việc kinh doanh thuận lợi là nhờ quy trình chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp và chu đáo từ Úc. Không chỉ chuyên giao về khoa học kỹ thuật, các công nghệ số… một cách bài bản và chi tiết, họ còn giúp tôi xây dựng kế hoạch để phát triển. Hơn thế nữa, họ còn dành thời gian hướng dẫn cách vận hành cho nhân viên của tôi tại Việt Nam”. Để chủ động nguồn tôm giống bố mẹ, không phải đi mua từ nước ngoài, Công ty Việt Úc hợp tác với nhiều đối tác chiến lược lớn như Viện CSIRO (Úc), Công ty BenchmarkHolding JSC (Anh), Trường ĐH Cần Thơ, Nông Lâm TP.HCM, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản...Nhờ vào định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, tập đoàn Việt Úc đã thành công tạo được giống tôm thẻ chân trắng bố mẹ, nguồn tôm giống có sức đề kháng cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương, giúp tăng hiệu quả, lợi nhuận trong quá trình nuôi tôm. “Trước đây, chỉ có ba nước trên thế giới sản xuất tôm giống bố mẹ là Mỹ, Singapore và Thái Lan, nay thì Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp sản xuất được tôm giống bố mẹ. Điều này có ý nghĩa rất lớn với người nuôi tôm trong nước, vì họ không cần phải lo lắng về nguồn giống, cũng đồng nghĩa với ngành tôm Việt Nam trị giá 4-5 tỷ đô-la không còn bị phụ thuộc vào nguồn tôm giống nước ngoài nữa”, ông Văn tự hào nói.
Tuy đạt được những thành công lớn, ông Văn vẫn khiêm tốn cho rằng thành quả có được là nhờ sự đồng hành, hỗ trợ từ các đối tác Úc. Ông nói: “Các chuyên gia Úc làm việc chuyên nghiệp và chu đáo. Và ngược lại, người Việt chúng ta cũng phải giữ uy tín thì mới nhận được sự hỗ trợ lâu dài.