Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Hà Thị Quỳnh Anh - Chuyên gia về giới và nhân quyền - UNFPA

 

Hà Thị Quỳnh Anh 

Chuyên gia về giới và nhân quyền - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) 

 

"Mặc dù UNFPA làm việc với nhiều đối tác khác nhau nhưng Úc luôn là một trong những đối tác thân thiết. Nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Úc, chúng tôi rất khó xây dựng được cơ sở dữ liệu, bằng chứng để có thể đưa ra những lập luận vững chắc vận động và hỗ trợ chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan có thể xây dựng được chính sách và chương trình hành động phù hợp." 

 

Từ 2005 tới 2007, chị Hà Thị Quỳnh Anh sang Úc theo chương trình học bổng thạc sỹ về nghiên cứu về phát triển do Chính phủ Úc tài trợ. Thời gian học và nghiên cứu tại Đại học Melbourne mang lại cho chị nhiều trải nghiệm quý báu trên con đường đấu tranh cho bình đẳng giới và chấm dứt các hành vi có hại và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam. 

Nói về mối quan hệ giữa Úc và Việt Nam trong lĩnh vực bình đẳng giới, chị Hà Thị Quỳnh Anh dùng hai từ “chặt chẽ” và “hiệu quả”. Những kinh nghiệm từ Úc hoàn toàn có thể áp dụng ở Việt Nam, và những gì Việt Nam làm được đã được các nước khác tìm đến học hỏi; mối hợp tác hai chiều đó mang lại những kết quả thực sự khả quan. 

Trong suốt một thập kỷ qua, chị Quỳnh Anh đóng vai trò là người điều phối hiệu quả và tâm huyết của các chương trình hỗ trợ của Úc dành cho Việt Nam tại UNFPA. 

Trong số đó, có thể kể đến một tác động to lớn, đó là hành trình hỗ trợ sửa đổi Luật phòng chống bạo lực gia đình. UNFPA đã tổ chức các chuyến đi thực tế tới Úc cho các đại diện bộ, ngành cấp cao của Việt Nam, nhằm tìm hiểu Úc đã xây dựng và triển khai luật ra sao cho hiệu quả. Những bài học kinh nghiệm đó đã được đưa vào Luật Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm ngoái (2022). 

Chị Quỳnh Anh cho biết so với phiên bản trước kia, bộ luật sau sửa đổi có ba điểm tiến bộ, thứ nhất là cách tiếp cận của luật dựa trên quyền con người, đặc biệt lấy nạn nhân làm trung tâm; thứ hai tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng chống bạo lực gia đình; thứ ba là việc đề cao vai trò của các tổ chức xã hội khác ngoài các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này. 

Các chương trình hỗ trợ của Úc với Việt Nam tại UNFPA còn bao gồm hỗ trợ Điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam năm 2019, qua đó thu thập được các số liệu đáng tin cậy để từ đó góp phần xây dựng các chương trình quan trọng khác như Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030; Chương trình quốc gia về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động về phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam cho đến 2026 và tầm nhìn đến 2030. Nhờ sự hỗ trợ từ phía Úc, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới làm điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực với phụ nữ và nhiều quốc gia khác đã tìm đến học hỏi cách làm này từ Việt Nam. 

Bên cạnh các tác động đáng kể nêu trên, chị Quỳnh Anh nhắc đến sự hỗ trợ của Úc trong chương trình hỗ trợ các biện pháp can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh khẩn cấp do COVID-19 năm 2020. Tiếp sau đó là sự ra đời của các trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực ở Việt Nam. Đối với chị, trung tâm một cửa là niềm tự hào to lớn, vì đây là mô hình đầu tiên ở Việt Nam, nơi nạn nhân bị bạo lực có thể tìm đến và nhận được tất cả những hỗ trợ cần thiết 24/7 bao gồm dịch vụ y tế, xã hội, công an, tư pháp thay vì phải chạy đi các nơi khác nhau để tìm kiếm sự trợ giúp.  

Hà Thị Quỳnh Anh vô cùng tâm huyết với công việc tại UNFPA cũng như luôn đánh giá cao những trải nghiệm của chị khi hợp tác với Australia. Chị cho biết: “ Mặc dù UNFPA làm việc với cả rất nhiều đối tác khác nhau, kể cả các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, nhưng Úc luôn luôn là một trong những đối tác rất là thân thiết”.