Đặng Thị HạnhQuản lý Chương trình Hợp tác ASEAN - Australia về phòng, chống mua bán người (ASEAN ACT) tại Việt Nam
“Tôi không thể tưởng tượng có những người, những phụ nữ, trẻ em yếu thế mà rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp, nhân phẩm bị chà đạp như vậy…Và thực sự tôi đã rơi nước mắt. Điều đó khiến cho tôi có động lực xây dựng và thực hiện các chương trình sao cho thiết thực hiệu quả nhất.”
|
Khi nói đến mốc 50 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam và Australia, chị Đặng Thị Hạnh cho rằng sự ổn định, lâu dài của mối quan hệ là giá trị mà không phải quốc gia nào cũng có được. Trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người, chị Hạnh đánh giá cao cam kết hỗ trợ lâu dài của chính phủ Úc, tập trung vào khía cạnh nâng cao năng lực cho các cơ quan Việt Nam. “Đối với Việt Nam, thì đây là sự hỗ trợ rất đáng quý”, chị Hạnh chia sẻ.
Tính đến năm 2023, Australia đã có lịch sử 20 năm trong việc hỗ trợ hệ thống tư pháp hình sự của các nước ASEAN nhằm ứng phó hiệu quả với nạn mua bán người (và phối hợp với Việt Nam từ năm 2008). Riêng chương trình Hợp tác ASEAN - Australia về phòng, chống mua bán người (ASEAN -ACT), kéo dài 10 năm, từ 2018 - 2028, đã và đang tiếp tục tạo ra những tác động tích cực trong khu vực ASEAN và ở Việt Nam nói riêng.
Cho đến nay, những điều khiến chị Hạnh tự hào về chương trình ASEAN-ACT, đó là: “Tôi thấy tự hào khi Chương trình đã hỗ trợ xây dựng và đào tạo được một đội ngũ giảng viên nguồn và báo cáo viên có kinh nghiệm và có khả năng giảng dạy các nội dung liên quan đến phòng, chống mua bán người, theo phương pháp tiên tiến của quốc tế, tăng cường sự tham gia và lấy học viên làm trung tâm. Chương trình giúp tăng cường sự hiểu biết về khung chính sách Việt Nam cũng như bối cảnh quốc tế, giúp nâng cao kỹ năng và thái độ của các cán bộ tham gia các hoạt động, đồng nghĩa với việc tăng cường năng lực phòng chống buôn bán người trong các trường hợp cụ thể cũng như công tác hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Và đặc biệt nhất có lẽ là phần đóng góp cho vận động chính sách. Chương trình ASEAN-ACT đã hỗ trợ các cơ quan Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình Phòng, chống mua bán người cho 5 năm 2021-2025 với tầm nhìn đến năm 2030. “Hiện tại, chúng tôi đang hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan đề xuất các chỉnh sửa vào dự thảo Luật (sửa đổi) Phòng, chống mua bán người mang tính thực tiễn hơn, tạo ra nền tảng pháp lý tốt hơn để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án mua bán người và tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn”.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực cho các cơ quan tư pháp trong nước, ASEAN-ACT cũng hỗ trợ Việt Nam thiết lập các kênh hợp tác hiệu quả với các nước ASEAN trong lĩnh vực này. Với bối cảnh nhiều nạn nhân từ Việt Nam bị mua bán sang các nước ASEAN, và Việt Nam cũng là điểm trung chuyển nạn nhân sang các nước, thì sự tham gia của Việt Nam góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến mua bán người trong khu vực. Việc này sẽ nhanh chóng thuận lợi hơn khi các bên có sự hiểu biết lẫn nhau, và cùng nắm được các đầu mối.
Chị Hạnh đã vận dụng nhiều phương cách khác nhau để giải quyết các vấn đề cho chương trình, chẳng hạn như làm sao để tìm ra chính xác vấn đề cần giải quyết khi cách hiểu về khái niệm mua bán người chưa thống nhất; làm sao để thiết kế và cung cấp chương trình nâng cao năng lực phù hợp khi kiến thức, kinh nghiệm của các cán bộ các cấp không đồng đều, khối lượng công việc phải đảm nhận lớn mà lại chủ yếu kiêm nhiệm; chọn ra các ưu tiên nào khi ngân sách dự án hạn chế; làm sao để thực hiện các hoạt động theo kế hoạch trong đại dịch COVID-19; và làm sao để uyển chuyển khớp nối giữa các quy định khác nhau của các cơ quan tham gia dự án.
Kể về động lực trong công việc, chị Hạnh cảm động nói: “Tôi thấy công việc trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người là rất nhân văn, hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tổn thương, giúp cho nạn nhân trở lại cuộc sống bình thường. Với nạn nhân trở về, để hòa nhập lại với gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn và rất khó để xoá nhoà những trải nghiệm đau buồn và tổn thương. Và qua mỗi hoạt động, tôi nhận thấy sự thay đổi trong thái độ và hành động của các cán bộ đối với nạn nhân hay khi họ nói về nạn nhân. Khi họ có thể giúp đỡ cho nạn nhân tốt hơn, giúp phòng ngừa mua bán người hiệu quả, thì đấy là thành công của chương trình.”