Claire MackenTổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam
“Tôi thường xuyên nhắc tới Thương hiệu Australia và tôi thật sự tự hào về sự hiện diện của giáo dục Australia ở Việt Nam và trong khu vực. Vai trò của tôi là khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Australia để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đã đề ra.” |
Một trong những đức tính của người Việt Nam mà Giáo sư Claire Macken sớm nhận thấy khi mới tới đây là sự quyết tâm.
Là Tổng giám đốc Đại học RMIT Việt Nam, bà thấy rất ấn tượng với năng lượng tích cực, tinh thần ham học hỏi và trên hết, là động lực đạt được thành công của sinh viên cũng như của các cán bộ giảng viên RMIT.
Đại học RMIT lần đầu tiên mang hệ thống giáo dục lâu năm của của mình từ Australia tới Việt Nam bằng việc mở trường tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000.
Hơn hai thập kỷ sau, là người chịu trách nhiệm chèo lái con thuyền ngày càng lớn mạnh này, Giáo sư Macken đang đồng hành cùng hơn 12.000 sinh viên trên khắp Việt Nam.
Mô hình giảng dạy của RMIT theo hệ thống giáo dục của Australia, trao bằng của Australia cho sinh viên ở Việt Nam không chỉ vượt qua được thử thách thời gian mà còn góp phần vào mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia. “Các sinh viên có sự kết nối với Australia, họ đã là một phần của Australia,” bà nói.
Có thể cảm nhận rõ niềm tự hào về Thương hiệu Australia của Giáo sư Macken, “tôi thường xuyên nhắc tới Thương hiệu Australia và tôi thật sự tự hào về sự hiện diện của giáo dục Australia ở Việt Nam và trong khu vực. Vai trò của tôi là khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Australia để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra.”
Trong nhiều năm qua, để cạnh tranh và thậm chí dẫn trước trong lĩnh vực giáo dục, RMIT theo dõi sát sao những biến chuyển của thị trường lao động ở Việt Nam, Australia và trên toàn cầu.
Giáo sư Macken đánh giá cao khả năng thích ứng. Bà quan sát thấy sinh viên ngày nay muốn được trang bị những kỹ năng giúp họ chuẩn bị sẵn sàng cho một thế giới luôn đổi thay. “Họ quan tâm tới những thứ như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, an ninh mạng, và tất cả những thay đổi khác đang diễn ra trong xã hội. Một phần chức năng của chúng tôi trong lĩnh vực giáo dục đại học là đảm bảo rằng chúng tôi trang bị cho sinh viên sẵn sàng cho tương lai đó ở Việt Nam và cả ở Úc.”
Một trong những khoảnh khắc tự hào nhất trong hành trình sự nghiệp của Giáo sư Macken với RMIT là khi Thủ tướng Australia cùng Phó chủ tịch Hội đồng trường của Đại học RMIT công bố khoản đầu tư chiến lược trị giá 250 triệu đô la Australia vào Việt Nam. Khoản tài trợ của RMIT đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực: giáo dục, hợp tác, nghiên cứu, và xây dựng cơ sở hạ tầng của trường.
Giáo sư Macken cũng mong muốn Việt Nam trở thành nơi sinh viên trong khu vực tới theo học RMIT và RMIT tiếp tục được gây dựng từ cộng đồng địa phương.
Với mạng lưới cựu sinh viên lên tới 20.000 người, trong đó nhiều người nắm giữ những chức vụ quan trọng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, RMIT thực sự là trường đại học quốc tế hàng đầu ở Việt Nam.
Nhưng tầm nhìn của bà không chỉ dừng ở đó. Bà cho rằng RMIT có thể tham gia vào việc định hình thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam, và để đạt được điều này, hợp tác giữa hai chính phủ là tối quan trọng. “Tôi nghĩ Việt Nam và Australia có mối quan hệ tuyệt vời và lâu năm.”
Một từ khoá khác phản ánh mối quan hệ này là ‘tính tương hỗ’. “Đây có lẽ là từ phù hợp để biểu đạt rằng khi chúng ta chung sức thì chúng ta mạnh hơn và nó mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Australia.”
Một năm ở Việt Nam và bà Claire Macken đã yêu đặc sản nước mắm. Bà dùng nước mắm khi nấu nướng mỗi ngày và thấy rất thú vị khi chỉ cần dùng vài giọt là các món ăn thơm ngon đậm đà hẳn lên.
Bà yêu thích cuộc sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và đôi khi đi Hà Nội để tìm hiểu thêm về nền văn hoá đa dạng của Việt Nam.
Nhà giáo dục cảm thấy sự nghiệp của mình có ý nghĩa lớn lao vượt lên trên những công việc hàng ngày. “Sự nghiệp này thực sự đóng góp cho mặt tốt của xã hội. Và đó là điều mà chúng ta nên thực sự tập trung đầu tư.”