Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Carl Thayer - Academic

 

Carl Thayer

Academic

 

"Vai trò của tôi với tư cách là một học giả là cung cấp thông tin cho phía Úc – các quan chức chính phủ, thành viên của Lực lượng Quốc phòng Úc, các học giả, các tổ chức nghiên cứu chính sách, các nhóm quan tâm đặc biệt và giới truyền thông – về Việt Nam.  Đồng thời, vai trò của tôi cũng là cập nhật cho phía Việt Nam – các quan chức chính phủ, thành viên Quân đội Nhân dân Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu và giới truyền thông – về nước Úc." 

 

 

Hiếm có một người bạn quốc tế nào quan tâm và nghiên cứu về Việt Nam từ sớm và tường tận như Carlyle A.Thayer. 

Từ năm 1967, sau khi tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Brown (Mỹ), ông đã làm việc ở Việt Nam trong vai trò tình nguyện viên dạy tiếng Anh. Sau đó ông lấy bằng thạc sỹ về Đông Nam Á học tại Đại học Yale, rồi nhận bằng tiến sỹ về Quan hệ quốc tế tại Đại học quốc gia Australia với đề tài nghiên cứu về Đảng Lao động Việt Nam (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) 

Giáo sư Carlyle là nhân chứng sống cho sự thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia với Việt Nam. Ông cho biết:  Sau khi Hiệp định hòa bình Paris được ký kết, vào tháng hai năm 1973 chính phủ Úc công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này trở thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Lúc đó ông đã là thành viên của Hội Australia - Việt Nam (Australia-Vietnam Society (AVS) tại Úc. Với tư cách đó, ông đã cùng với thành viên AVS đến sân bay Canberra đón chào đoàn ngoại giao đầu tiên từ Việt Nam do ngài Nguyễn Dy Niên làm trưởng đoàn sang thăm Australia.  

Năm 1981, Giáo sư Carlyle lần đầu trở lại thăm đất nước Việt Nam sau giải phóng với tư cách là một trong bốn thành viên của phái đoàn học giả Australia đến Việt Nam. 

Với chuyên môn và vai trò lịch sử đặc biệt như vậy, với tư duy nghiên cứu độc lập và  khách quan, giáo sư Carlyle trở thành một học giả đáng tin cậy và là cố vấn được săn đón từ cả hai quốc gia Việt Nam và Australia trong lĩnh vực chính trị và an ninh quốc phòng, trải qua nhiều giai đoạn và thời kỳ khác nhau. 

Giáo sư Carlyle chia sẻ rằng ông có vinh dự được mời gửi đề xuất cho bản dự thảo bài phát biểu cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh Châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangrila tại Singapore năm 2013. Ông cũng rất ngạc nhiên và vui mừng khi Thủ tướng Việt Nam đề cập đến những đề xuất của ông, thể hiện cam kết gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam lần đầu tiên.  

Bên cạnh đó, ông đã hướng dẫn nhiều luận án tiến sỹ cho các sinh viên Việt Nam khi du học tại Úc. Nhiều sinh viên sau đó đã trở thành những nhà ngoại giao hay thành viên quan trọng của chính phủ Việt Nam. 

Một điều mà Giáo sư Carlyle rất tự hào, đó là trong nhiều năm qua kể từ khi ông nghỉ hưu vào năm 2010, ông được rất nhiều báo chí quốc tế và Việt Nam phỏng vấn. Có đến hơn 3300 bài báo viết/phỏng vấn để hỏi về quan điểm và ý kiến của ông về Việt Nam cũng như các vấn đề quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng và cơ hội hợp tác.  

Giáo sư Carlyle cho biết ông thường xuyên viết những bài báo cáo định kỳ về Việt Nam (Vietnam Report) và có nhiều bên đăng ký nhận email những bài viết đó, trong đó có Đại sứ quán Australia tại Việt Nam 

 Mô tả về tiến trình quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia, giáo sư Carlyle cho rằng hai nước đã và đang trải qua ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1973 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Giai đoạn thứ 2 từ 1991 đến năm 2000 - gọi là giai đoạn bình thường hóa. Giai đoạn ba kéo dài cho đến nay, ông gọi là giai đoạn “thể chế hóa”, khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, rồi nâng cấp thành đối tác chiến lược.