Ngày 17.7.2007
THÔNG CÁO CHUNG AUSTRALIA -VIỆT NAM VỀ HỢP TÁC THƯƠNG MẠI VÀ KINH TẾ
Bộ trưởng Thương mại Australia, Ngài Warren Truss, Nghị sĩ Quốc hội, và Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt nam, Ngài Võ Hồng Phúc, đã đồng chủ trì Cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Thương mại và Kinh tế Australia - Việt Nam (JTECC) vào ngày 16-17 tháng 7 năm 2007. JTECC được thành lập vào năm 1990 để đánh giá tiến bộ trong hợp tác thương mại và kinh tế và để xác định các cách thức tăng cường sự hợp tác đó.
Cuộc họp lần thứ 7 của JTECC bao trùm các vấn đề song phương, khu vực và đa phương. Nội dung bao gồm tiến trình của vòng đàm phán Doha trong WTO và việc gia nhập WTO mới đây của Việt Nam, các vấn đề khu vực, bao gồm đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Australia, New Zealand và ASEAN, và năm chủ nhà APEC của Australia. Các thảo luận song phương tập trung vào những lĩnh vực chính có tiềm năng phát triển trong quan hệ thương mại hai bên, bao gồm dịch vụ tài chính, giáo dục đào tạo, khai thác mỏ và các ngành liên quan. Lần đầu tiên, cuộc họp có sự tham gia của đại diện giới doanh nghiệp tại Australia và Việt Nam. Hai bộ trưởng hoan nghênh cơ hội lắng nghe trực tiếp các đại diện doanh nghiệp chủ chốt về cách thức phát triển quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước.
Hai bộ trưởng đánh giá lại tiến trình phát triển của quan hệ thương mại và đầu tư song phương, nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể trong thương mại những năm gần đây. Hai bộ trưởng hài lòng nhận thấy rằng thương mại hàng hoá và dịch vụ hai chiều đã tăng hơn gấp đôi kể từ sau cuộc họp JTECC lần trước vào năm 2003, đạt 7,3 tỷ A$ vào năm 2006. Hai bộ trưởng thảo luận về mối quan tâm gia tăng của các nhà đầu tư Australia vào Việt Nam. Bộ trưởng Phúc hoan nghênh những đóng góp đáng kể của Australia trong việc đánh giá môi trường đầu tư của Việt Nam theo Khung Chính sách cho Đầu tư (PFI) của OECD. Hai bộ trưởng nhất trí rằng đánh giá PFI sẽ là một bước quan trọng để xác định các cách thức tăng cường sức hấp dẫn cho đầu tư của Việt Nam.
Cuộc họp JTECC đã tạo cơ hội để thảo luận làm cách nào có thể tận dụng được cơ hội sau khi Việt Nam đã gia nhập WTO từ tháng 1 năm 2007. Hai bộ trưởng công nhận tầm quan trọng của việc hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực như là động lực cho sự thịnh vượng. Bộ trưởng Truss nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách theo hướng thị trường đang tiếp tục tại Việt Nam. Bộ trưởng Phúc hoan nghênh sự ủng hộ của Ôxtrâylia trong việc giúp Việt Nam thực hiện các cam kết WTO và trong công cuộc cải cách tiếp diễn của mình thông qua sáng kiến tài trợ đa biên Hậu WTO.
Hai bộ trưởng nhận thấy rằng Australia và Việt Nam đang tham gia vào đàm phán FTA ASEAN-Australia-New Zealand đã tiến hành được hai năm. Hai bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh hơn công việc này trong ba vòng đàm phán còn lại trong năm nay. Hai bộ trưởng hoan nghênh tiến trình APEC với sự chủ trì của Australia trong năm 2007, tiếp nối từ thành công của Việt nam trong năm chủ nhà 2006 của mình. Hai bộ trưởng tái khẳng định cam kết của hai nước với kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC mới đây và trao đổi quan điểm về những ưu tiên cho Hội nghị các Nhà lãmh đạo Kinh tế APEC sắp tới.
Hai bộ trưởng nhận thấy rằng, với tư cách là các nước xuất khẩu nông nghiệp, cả hai nước cùng chia sẻ mối quan tâm đến việc tự do hoá thương mại nông nghiệp. Bộ trưởng Truss hoan nghênh việc tham gia của Việt Nam với tư cách là bên quan sát tại Hội nghị Bộ trưởng Nhóm Cairns tại Lahore, Pakistan. Hai bộ trưởng nhất trí rằng Việt Nam và Nhóm Cairns sẽ tiếp tục hợp tác trong Vòng đàm phán Doha.
Về các vấn đề song phương, hai bộ trưởng công nhận sự hiện diện lâu dài của Australia trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam và thảo luận cách thức để đảm bảo rằng sự tham gia này tiếp tục phát triển.
Hai bộ trưởng cũng nhận thấy vai trò quan trọng của các cơ sở giáo dục Australia, tại Australia cũng như Việt nam, trong việc giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế tăng trưởng nhanh thông qua việc cung cấp dịch vụ giáo dục và đào tạo cho lực lượng lao động ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Truss nêu bật kinh nghiệm của Australia trong lĩnh vực khai thác mỏ và những lợi ích kinh tế có thể đem lại từ một ngành khai thác mỏ năng suất và có tính cạnh tranh quốc tế. Bộ trưởng mong có được sự hợp tác của Việt Nam trong việc cho phép đầu tư của Australia trong lĩnh vực khai thác mỏ của Việt Nam và chú trọng vào quy mô phát triển quan hệ thương mại trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Phúc hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Australia có kinh nghiệm.
Để phát triển hơn nữa sự hợp tác trong lĩnh vực khai thác mỏ, Bộ trưởng Truss đề xuất hỗ trợ Việt Nam tham gia hội thảo sắp tới về “Lập kế hoạch Mỏ cho Kết quả Phát triển Bền vững Tốt hơn” tại Jakarta vào tháng 11 năm 2007. Bộ trưởng Phúc hoan nghênh cơ hội học hỏi kinh nghiệm của Australia trong lĩnh vực này.
Hai bộ trưởng nhất trí với Chương trình Hành động để tiếp tục thực hiện các mục tiêu của JTECC giữa các kỳ họp, có tính đến các đóng góp của Cuộc họp JTECC lần thứ 7, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng tâm về dịch vụ tài chính, giáo dục đào tạo, khai thác mỏ và các ngành liên quan, và thông qua đối thoại doanh nghiệp lần đầu này.
Hai bộ trưởng nhất trí rằng Cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Việt nam vào một thời điểm sẽ được hai bên ấn định.
NGÀI WARREN TRUSS NGÀI VÕ HỒNG PHÚC
(đã ký) (đã ký)
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI BỘ TRƯỞNG KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ
ÔXTRÂYLIA VIỆT NAM
NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM 2007
(Bản dịch không chính thức)