Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Báo cáo Tọa đàm Chiến lược của ACIAR Việt Nam 2015

Báo cáo Tọa đàm Chiến lược của ACIAR Việt Nam 2015

 

Tóm tắt

 

Ngày 18 tháng 5 năm 2015, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm chiến lược của chương trình ACIAR Việt Nam. Nội dung chính của Tọa đàm là nhằm tổng kết chương trình hiện tại và thảo luận một số thay đổi chính trong ưu tiên hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của Australia và Việt Nam.

Tham dự Tọa đàm gồm các đại biểu là các cán bộ chủ chốt của ACIAR và Cơ quan Phát triển của Australia tại Việt Nam, cùng với đại diện của các cơ quan Việt Nam như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), Bộ Khoa học Công nghệ (Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế Kỹ thuật), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Kinh tế Nông nghiệp), Hiệu trưởng/Viện trưởng của các trường Đại học và viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp là đối tác chính của các dự án hiện tại, Giám đốc của một số Sở Nông nghiệp và PTNT của một số tỉnh và Tổ chức Phi chính phủ tham gia hợp tác với chương trình ACIAR tại Việt Nam.

Về chiến lược lâu dài, ACIAR vẫn giữ nguyên mục tiêu cải thiện sinh kế và thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan tâm nâng cao sản xuất, trong thời gian tới chương trình sẽ chú trọng nhiều hơn tới toàn chuỗi ung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Các nội dung chính của Tọa đàm như sau:

 

1. Quan hệ đối tác:

Các ý kiến thể hiện mong muốn ACIAR hỗ trợ các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn, do phía Việt Nam đề xuất. Các ý tưởng nghiên cứu mới phải có sự tham gia của hai phía từ sớm, có thể từ giai đoạn thiết kế dự án.

Vấn đề đồng tài trợ. Với nguyên tắc cùng hợp tác, ngoài nguồn tài trợ chính cho các dự án từ phía chính phủ Úc thông qua ACIAR, các đại biểu cho rằng về phía Việt Nam có thể tìm kiếm tài trợ từ các nguồn khác nhau như nguồn vốn của các tỉnh, các nhà tài trợ khác và các doanh nghiệp tham gia dự án. Bên cạnh đó, nếu có thể đăng ký danh mục dự án với chính phủ Việt Nam sớm và đúng thời điểm, các dự án mới có thể nhận được vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương.

Vấn đề trao đổi thông tin. Việc chia sẻ thông tin và bài học giữa các dự án, cũng như kiểm định và phổ biến kết quả dự án được nhấn mạnh. Các kết quả nổi bật từ dự án và chương trình cần được báo cáo lên các cấp chính quyền cao hơn. Các đại biểu cũng cho rằng cần phải có chiến lược dài hạn cho Chương trình ACIAR Việt Nam. Thay đổi lớn từ phía cả hai chính phủ có thể diễn ra chỉ sau từ 2-3 năm, và các buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để quyết định việc tổ chức hội thảo để xây dựng chiến lược mới có cần thiết hay không.

 

2. Phát triển kinh tế:

Các nghiên cứu của ACIAR sẽ chú trọng nhiều hơn tới vấn đề giới, xóa đói giảm nghèo và trao quyền cho người phụ nữ trong phát triển kinh tế. Các dự án cần tiếp cận và giải quyết vấn đề của các tổ nhóm nông dân hoặc hợp tác xã thay vì nông dân riêng lẻ.

Các dự án cần phát triển bền vững tài nguyên phục vụ sản xuất trong điều kiện có biến động thị trường và biến đổi khí hậu. Cần thiết phải ưu tiên các vấn đề thị trường cho các chuỗi giá trị lớn xuyên biên giới, quản lý dịch bệnh, hiểu biết về các tiêu chuẩn để xuất khẩu và tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Ngoài 3 vùng địa lý ưu tiên hiện tại là Tây Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ, và Đồng bằng sông Cửu Long, một số đại biểu kiến nghị xem xét vùng Tây Nguyên để giải quyết sinh kế cho nông dân nghèo và cơ hội thị trường, vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm tăng thu nhập từ cây vụ Đông.

 

3. Liên kết với khối tư nhân:

Việc hiểu rõ nhu cầu nghiên cứu và nhu cầu thông tin thị trường của các doanh nghiệp có thể giúp liên kết tốt hơn với họ trong các dự án ngay từ giai đoạn thiết kế. Các doanh nghiệp có thể giúp đồng tài trợ cho một số nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu liên quan đến sản phẩm có giá trị cao, hướng tới xuất khẩu. Các lĩnh vực được cho là có nhiều cơ hội liên kết với khối tư nhân gồm: chế biến, an toàn thực phẩm, chuyển giao công nghệ sau thu hoạch và thức ăn chăn nuôi (thủy sản và chăn nuôi thú y), sản phẩm gỗ (lâm nghiệp).

 

4. Gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp:

Áp dụng công nghệ cao để giảm giá thành và tổn thất sau thu hoạch, tập trung vào chế biến, bảo quản và tìm kiếm thị trường có lợi nhuận cao là các hoạt động được cho là có thể đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Các ý kiến cũng cho rằng ACIAR cần tập trung vào các ngành hàng chủ đạo (theo danh sách ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

 

Báo cáo chi tiết về kết quả của buổi tọa đàm và các nhiệm vụ đề ra đối với ACIAR, Bộ Nông nghiệp và PTNN và các viện nghiên cứu có thể được tìm thấy ở dưới đây

Kết quả tọa đàm

 

 A- Mục tiêu của tọa đàm

  1. Tổng kết chương trình hợp tác nghiên cứu hiện tại, thảo luận kết quả, thách thức và cơ hội từ các dự án đang thực hiện, cũng như các giải pháp cải tiến chương trình hiện nay; và
  2. Thảo luận hướng ưu tiên chính trong hợp tác nghiên cứu nông nghiệp của hai nước.

     

B- Làm thế nào để đạt được những mục tiêu này?

Trong buổi tọa đàm, chúng tôi đã

  1. Tổng kết và thảo luận về những thay đổi trong chiến lược nghiên cứu, ưu tiên và xu  hướng trong nông nghiệp Việt Nam;
  2. Tổng kết và thảo luận những thay đổi gần đây trong chiến lược phát triển của Ôx-trây lia;
  3. Nhìn lại các chiến lược đã thỏa thuận gần đây cho hợp tác nghiên cứu giữa ACIAR và Việt Nam;
  4. Trình bày về các dự án đang được thực hiện theo chiến lược này và nhận phản hồi về các điểm mạnh hay còn thiếu/yếu;
  5. Củng cố sự hợp tác với các đối tác chính thông qua buổi hội đàm này.

 

C- Kết quả chính của buổi hội đàm

Thay đổi chính tầm chiến lược

Australia: chuyển đổi từ ngoại giao truyền thống sang ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh tham gia của khối tư nhân, phát triển nguồn nhân lực với trọng tâm là trao quyền cho phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Việt Nam: Tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, bảo quản và thương mại tốt hơn. Chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng và thu nhập  cao hơn cho nông dân. Thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân 

Những thay đổi của hai bên là phù hợp và bổ sung cho nhau.

Thông điệp bao trùm từ buổi tọa đàm này  là ACIAR cần thể hiện được những thay đổi trên trong chương trình của mình, trong đó tập trung vào nhu cầu của người nông dân vừa và nhỏ, tìm cách nâng cao thu nhập của họ thông qua cải thiện quy trình sản xuất và tiếp cận thị trường. Trọng tâm của các dự án cần chuyển dịch nhiều hơn từ các hoạt động ở trang trại sang chuỗi thị trường. 

Buổi tọa đàm tập trung vào 4 điểm chính:

  1. Phương thức hợp tác

    Dự án ACIAR tạo cơ hội cho sự hợp tác giữa Việt Nam, Australia và các nước khác nhằm cùng giải quyết các vấn đề liên ngành và xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu và thương mại.

ACIAR nên tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các viện và các cơ quan khuyến nông tỉnh ở Việt Nam để kiểm chứng tính hiệu quả của kết quả nghiên cứu trong nhân rộng. Cần làm việc với các tổ nhóm nông dân thay vì với từng nông dân riêng lẻ.

Việt Nam mong muốn các dự án ít hơn về số lượng, lớn hơn về quy mô, và phù hợp với các nội dung nghiên cứu đã đề ra. Việt Nam sẽ xác định các hướng ưu tiên và đề đạt với  ACIAR những gì cần thiết.

Danh mục dự án cần được cả hai phía thảo luận ngay từ giai đoạn thiết kế (ít nhất có sự tham gia của các cán bộ cấp cao của chính phủ).

Nên đăng ký vào danh mục các Chương trình Chính phủ ngay từ sớm để đạt sự tham gia lớn hơn kể cả từ giai đoạn thiết kế dự án.

Đồng tài trợ

ACIAR và Việt Nam cần tiếp tục hợp tác dựa trên các ưu tiên đã thỏa thuận. Có ý kiến đề xuất rằng ACIAR nên đăng ký danh mục dự án với chính phủ Việt Nam theo một gói sớm trước thời điểm triển khai dự án để giúp các đối tác phía VN tiếp cận nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương.

ACIAR cũng có thể xem xét khả năng kết hợp các nguồn tài trợ bao gồm: ngân sách Chính phủ, các nhà tài trợ khác và từ khối tư nhân. Chính quyền cấp tỉnh có thể đóng góp vốn thông qua các hoạt động khuyến nông nhằm phổ biến các kết quả nghiên cứu.

Cần thiết phải có hướng dẫn từ ACIAR về việc trả lương cho các cán bộ tham gia dự án do yêu cầu về tự chủ tài chính gần đây của các cơ quan nghiên cứu trong hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia của Việt Nam. Sự tự chủ này yêu cầu các cơ quan nghiên cứu phải tự tìm cách chi trả lương cho cán cán bộ tham gia trong các dự án cụ thể.

Trao đổi thông tin

Tọa đàm đã xác định nhu cầu phải cải thiện công tác truyền thông và trao đổi thông tin như sau:

Giữa các dự án với nhau: chia sẻ kinh nghiệm; các bài học rút ra từ quá trình thực hiện.

Giữa dự án/chương trình với các Sở Nông Nghiệp: phổ biến và kiểm chứng các kết quả nghiên cứu trên qui mô rộng hơn

Giữa dự án/chương trình với cán bộ quản lý cấp cao (cấp bộ):  báo cáo các thành tựu đạt được từ dự án; vận động chính sách; hướng ưu tiên trong hợp tác giữa ACIAR và Việt Nam, đăng ký ý tưởng dự án vào danh mục của Chính phủ.

Tọa đàm về chiến lược: chúng ta nên cân nhắc xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn (5-10-15 năm) và sẽ tổ chức họp đánh giá mỗi năm. Những thay đổi lớn có thể xảy ra sau 2 đến 3 năm, và việc tổ chức họp đánh giá hàng năm sẽ giúp chúng ta quyết định xem có cần tổ chức một hội thảo về xây dựng chiến lược mới hay không.

Việc phổ biến thông tin từ các dự án cần được củng cố, trong đó bao gồm cả các khuyến nghị về gói kỹ thuật đã cải tiến và cần tuyên truyền được rộng rãi hơn.

Phát triển nguồn nhân lực

Nâng cao năng lực cho các viện Việt Nam là rất cần thiết.

ACIAR cần cung cấp cơ hội cho nhiều nhà nghiên cứu hơn. Ở một số viện/trường, cơ hội tham gia dự án với ACIAR đang hạn chế chỉ cho một nhóm nhỏ.

Hiện tượng chảy máu chất xám từ các cơ quan nghiên cứu nhỏ sang cơ quan lớn hơn, từ vùng hẻo lánh đến các thành phố đang xảy ra trong những năm gần đây.

Đôi khi các khóa đào tạo lại là gánh nặng cho các viện/trường. Họ phải tìm người thay thế cho những cán bộ nhận được học bổng từ ACIAR, và điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.

Đề xuất: thúc đẩy các chương trình đào tạo theo mô hình trao đổi (làm việc), thậm chí dành cho cả những người không tham gia dự án của ACIAR.

2. Phát triển Kinh tế

  • Nâng cao năng lực cho phụ nữ:  Các nghiên cứu (ACIAR) cần phải chú trọng hơn đến vấn đề giới, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ người phụ nữ (cho dù Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Khoa học Công nghệ không đề cập đến vấn đề phụ nữ trong các chiến lược khoa học và công nghệ)
  • Các dự án nên xem xét bối cảnh tái cơ cấu ngành theo hướng phù hợp của các điều kiện canh tác với biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường.
  • Vùng địa lý: Ngoài các vùng Tây Bắc, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, cần quan tâm đến vùng Tây Nguyên để cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo và tạo cơ hội phát triển thị trường. Một khu vực nữa cần xem xét đó là đồng bằng Sông Hồng, nơi mà nghiên cứu có thể hướng đến việc tạo thu nhập cao hơn cho nông dân từ cây vụ đông. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long: hỗ trợ cho các dự án liên quan đến nông nghiệp/thủy sản mang tính thích ứng với biến đổi khí hậu.
  • Cần có chiến lược thị trường cho các chuỗi cung ứng lớn xuyên quốc gia ( như lúa, ngô…. đã được các đại biểu đề cập)
  • Quản lý bệnh dịch và kiểm dịch rất quan trọng
  • Các tiêu chuẩn và kiến thức cần phải đáp ứng chuẩn quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do.

     

3. Liên kết với khối tư nhân

  • Nắm bắt được nhu cầu nghiên cứu và thông tin của các doanh nghiệp.
  • Thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc thiết kế dự án, ưu tiên các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng (cho nông dân) và đồng tài trợ cho một số nghiên cứu.
  • Tập trung vào những lợi ích cho nông dân và phân bổ lợi nhuận công bằng giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị.
  • Các doanh nghiệp có thể quan tâm đến thị trường và thông tin thị trường (đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại xuyên biên giới, hay phát triển và làm việc với các nhóm nông dân); hàng hóa có giá trị cao và tập trung cho xuất khẩu ( Ví dụ như gạo và ngô)
  • Cần hợp tác với với các doanh nghiệp về chế biến, chuỗi thị trường sau thu hoạch và liên kết theo chuỗi (ví dụ như các hợp tác xã).
  • Cần nghiên cứu nhiều hơn về an toàn thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp (đặc biệt là về mảng dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc).
  • Tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp là lớn trong lĩnh vực sản xuất gỗ.
  • Cơ hội nghiên cứu với các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và vừa về phương pháp tiếp cận công nghệ cao và các hiệp định thương mại tự do.

4. Gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp

  • Áp dụng công nghệ cao để giảm giá thành và tổn thất sau thu hoạch
  • Gia tăng giá trị nhiều hơn cho sản phẩm thông qua chế biến, bảo quản và thị trường
  • Cần tập trung vào các mặt hàng chính. Kiểm tra danh mục cây trồng ưu tiên với Bộ Nông nghiệp và PTNT
  • Làm việc với các nhóm nông dân/hợp tác xã hơn là hộ nông dân riêng lẻ và phổ biến các phương pháp để thành lập nhóm cũng như liên kết thị trường.

     

D- Nhiệm vụ sau tọa đàm

1. Đối với ACIAR

  • Tổ chức Tham vấn cấp cao để xác định các ưu tiên của chương trình ACIAR (chiến lược năm 2020 - tầm nhìn 2030) trong giai đoạn 2015-2016. Cần có sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngay từ giai đoạn đầu của việc xây dựng chương trình và dự án;
  • Xây dựng ý tưởng của các dự án (từ 2017 trở đi) dựa trên các ưu tiên nghiên cứu đã được thỏa thuận ở trên;
  • Xây dựng các dự án mới ít hơn về số lượng, lớn hơn về quy mô, trong đó có sự tham gia của khối tư nhân, chú trọng vào gia tăng giá trị, đề cao vai trò và lợi ích của nông dân (đặc biệt là phụ nữ). Các nghiên cứu xuyên quốc gia có thể sẽ được xem xét , trong đó cân nhắc cẩn thận tính phức tạp trong công tác điều phối;
  • Các phương án đồng tài trợ và đăng ký danh mục đầu tư sớm sẽ được chú trọng nhiều hơn.
  • Tổ chức tọa đàm chiến lược hai năm một lần;
  • Tạo nền tảng/cơ hội để chia sẻ thông tin giữa các dự án (ví dụ như  tổ chức hội thảo thường niên cho các cán bộ điều phối dự án Việt Nam) ;
  • Tìm kiếm cơ hội trao đổi cán bộ nghiên cứu giữa hai nước (ngoài chương trình học bổng và dự án).

     

2. Đối với Chính phủ Việt Nam

(Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học Công nghệ, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

  • Hỗ trợ cho tham vấn cấp cao về định hướng ưu tiên cho chương trình (chiến lược cho 2020 và tầm nhìn 2030);
  • Đánh giá và phê duyệt danh mục các dự án mới của ACIAR (2017 trở đi), theo các nghiên cứu ưu tiên đã thỏa thuận;
  • Tham gia  vào việc cập nhật và thảo luận chiến lược của ACIAR;
  • Sử dụng kết quả nghiên cứu (từ dự án ACIAR) như các bằng chứng khoa học để làm cơ sở cập nhật hoặc đổi mới chính sách.

     

3. Đối với các viện/trường

  • Cập nhật chiến lược hợp tác quốc tế trong hoạt động nghiên cứu;
  • Thắt chặt quan hệ đối tác với các viện/trường khác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu;
  • Tăng cường phát triển nguồn nhân lực cho viện/trường;
  • Tham gia tích cực vào tọa đàm chiến lược của ACIAR;
  • Nâng cao công tác truyền thông về năng lực nghiên cứu và kết quả đạt được của dự án;
  • Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để kiểm chứng và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.