Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Sue Boyd - Nữ Đại sứ Úc đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1994 đến 1998

 

Sue Boyd

Nữ Đại sứ Úc đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1994 đến 1998

 

"Việt Nam có tương lai đầy hứa hẹn nhờ vị trí địa lý, cũng như bề dày lịch sử và mối quan hệ với các quốc gia khác. Con người Việt Nam thông minh, có học thức và tinh thần khởi nghiệp rất lớn."

Đã 25 năm kể từ khi Sue Boyd rời vị trí nữ Đại sứ đầu tiên của Úc tại Việt Nam, và mặc dù đã đảm nhận nhiều vị trí tương tự ở các quốc gia khác, tình cảm của bà đối với Việt Nam vẫn không hề phai nhạt. Trong cuốn hồi ký "Not always diplomatic" (tạm dịch: Không phải lúc nào cũng ngoại giao) đã được tái bản lần thứ tám của bà, có một chương dành riêng cho Việt Nam.

“Tôi thích khoảng thời gian khi tôi ở Việt Nam, nhiều hơn nhiệm kì ở bất cứ nơi nào khác. Đây là nhiệm kì tôi yêu mến nhất," - bà giải thích.

Năm 1994, bà đảm nhận vai trò Đại sứ tại Việt Nam, khi Việt Nam vừa mới mở cửa và bước vào thời kì Đổi mới. "Đó là thời điểm rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương và thực sự là khởi đầu của một mối quan hệ hiện đại. Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội xây dựng quan hệ với các đối tác quốc tế." - Sue nói. "Đó là giai đoạn của sự chuyển mình, là cơ hội để tạo ra ảnh hưởng và sử dụng mọi kỹ năng mình để thúc đẩy quyền lợi của cả Úc và Việt Nam.”

Sue Boyd chia sẻ rằng Cầu Mỹ Thuận ở đồng bằng sông Cửu Long là điều khiến bà tự hào nhất trong nhiệm kỳ 3 năm của mình. Khi Paul Keating - Thủ tướng Úc đương thời tới thăm Việt Nam vào năm 1993, ông đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam xây dựng một cây cầu bắc qua sông Mê Kông (Cửu Long) - được mong đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Vào thời điểm Sue Boyd bắt đầu công tác tại Việt Nam vào năm 1994, thiết kế của cây cầu đã hoàn thiện và đã có kế hoạch triển khai kỹ thuật công trình

Sau đó, tân Ngoại trưởng Úc muốn chuyển phần ngân sách này sang một dự án mang tính truyền thống hơn về xóa đói giảm nghèo. Nhận thức được tầm quan trọng không nhỏ của cây cầu đối với nền kinh tế, đặc biệt là khu vực phía Nam của Việt Nam, cũng như ý nghĩa biểu tượng đối với quan hệ song phương, Sue Boyd hành động nhằm thuyết phục chính phủ thay đổi chính sách: Bà gặp gỡ mọi người để thuyết phục họ về dự án xây dựng cây cầu, viết một lá thư gửi tới Thủ tướng và bay đến Canberra.

“Nếu tôi không đủ táo bạo và dũng cảm, dự án xây cầu đã không được tiếp tục,” Bà nói. “Tôi đã chấp nhận rất nhiều rủi ro, mạo hiểm sự nghiệp của mình, và tôi đã phải đứng lên bảo vệ quan điểm của mình trước các bộ trưởng…”

 “Tôi vô cùng tự hào về điều đó, bởi tôi tin rằng đây thực sự là một bước tiến quan trọng đối với Việt Nam”.

Tổng kết mối quan hệ song phương, cựu Đại sứ cho biết: “Đây là một mối quan hệ đã đơm hoa kết trái, theo nghĩa có lợi cho cả hai quốc gia, đồng thời cũng đầy tiềm năng để cải thiện và phát triển hơn nữa.”