Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Rob Hurle - Học giả về hưu

 

Rob Hurle

Học giả về hưu 

 

“Họ đã có thể kết nối với máy tính của chúng tôi và liên lạc với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới bằng email. Điều này thật sự rất tuyệt vời với họ - họ chưa từng có thể làm điều này trước đó.” 

 

 

 

 

Tiến sĩ Rob Hurle được công nhận rộng rãi vì đã giúp kết nối Việt Nam với mạng lưới toàn cầu. 

Khi còn là giảng viên về công nghệ thông tin tại trường Đại học Quốc gia Úc (ANU) trong những năm 80, Rob rất bức xúc vì các sinh viên Việt Nam của ông rất ít khi sử dụng máy tính cá nhân tại Việt Nam, điều này ngăn cản họ áp dụng thực tiễn những kiến đã học được từ Úc. 

Sang Việt Nam năm 1991 với một bộ điều giải (modem) nhằm giúp nghiên cứu sinh tiến sĩ kết nối với các máy tính chủ dễ dàng hơn, ông đã nhận ra rằng rào cản lớn nhất là chi phí cuộc gọi quốc tế từ Việt Nam đi Úc là quá cao: “Chi phí cho một cuộc gọi điện thoại đi Úc là 5 đô la Úc trong khi lương là 25 đô la Úc một tháng… không có cách nào khác.” Điều này dẫn dắt ông đến làm việc với Tran Ba Thai thuộc Viện Công nghệ Thông tin (IIT) tại Hà Nội về thí điểm kết nối máy tính thông qua đường truyền điện thoại bàn, thực hiện cuộc gọi từ Úc sang Việt Nam thay vì chiều ngược lại, điều này giúp giá thành hợp lý hơn rất nhiều. 

Các thử nghiệm này đã rất thành công. Rob cho biết, “Họ đã có thể kết nối với máy tính của chúng tôi và liên lạc với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới bằng email. Điều này thật sự rất tuyệt vời với họ - họ chưa từng có thể làm điều này trước đó”  

Sau đó, Telstra – công ty viễn thông lớn nhất của Úc – đã mời tiến sĩ Hurle đến tham dự cuộc họp tại Hà Nội để thực hiện các hội thảo về world wide web (www) và mạng internet (world wide web chỉ vừa mới bắt đầu). Đó là lần đầu tiên ông găp Thai trực tiếp và nó là một “cuộc gặp vô cùng quan trọng”. 

Không lâu sau đó, Rob và Thai đã thành lập công ty Netnam và đăng ký bản quyền tên miền .vn – điều này rất quan trọng nhằm tránh những người khác mua tên miền. Mọi thứ đều dẫn đến .vn và ANU và họ đã có thể tạo các địa chỉ email. Cùng thời gian đó, Thai đã xây dựng mạng lưới quanh Hà Nội, để kết nối với các trường đại học, các viện nghiên cứu và IIT. Lúc đó, Rob đã có thể di chuyển qua lại giữa hai nước để họ có thể tiếp tục “cải thiện mọi thứ tốt hơn.” 

Rob nhớ lại, “Lúc đó tôi đang thực hiện một kết nối email tại Việt Nam. Ngài Thủ tướng Thụy Điển chuẩn bị sang thăm Việt Nam nên chúng tôi sắp xếp liên lạc email với ngài, thông qua ANU, và điều này chứng minh rằng hệ thống mà Thai và tôi xây dựng đã hoạt động. Đây là kết nối internet đầu tiên mà Việt Nam từng có, vì thế điều này cực kỳ quan trọng.” 

Khi internet được sử dụng rộng rãi hơn vào năm 1997, ANU vẫn tiếp tục quản lý tên miền (DNS). Mạng lưới này sau đó chuyển giao cho DGPT khi họ đã xây dựng được năng lực chuyên môn. “đó là một quãng thời gian thú vị và như chúng ta thấy, đã mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam.” 

Sau khi nghỉ hưu từ ANU, Rob bắt đầu học tiếng Việt và lich sử Việt Nam “vì nó rất thú vị”. Ông dành 6 tháng ở Hà Nội để làm luận án và được truyền cảm hứng từ chuyến viếng thăm Bảo tàng Cách mạng để thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn về công tác tuyên truyền của Hồ Chí Minh vào cuối Thế chiến thứ hai, và luận án này giúp ông nhận được bằng tiến sĩ về lịch sử Việt Nam vào năm 2014. Sau đó ông dạy lịch sử và văn hóa Việt nam tại ANU.  

Khi ông nghĩ về Việt Nam, ông nghĩ về các kỹ sư trẻ, nhiệt huyết và sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Ông cũng đề cập đến việc không phô trương. “Chúng tôi có thể có những cuộc họp vô cùng quan trọng trong những văn phòng rất nhỏ, những nơi yên tĩnh hay ngay cả quán bia hơi, và đưa ra các hoạt động chúng tôi sẽ làm. Và đó chính là sự gần gũi, người với người, đó là điều quan trọng.”