Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC)

 

Nguyễn Thị Lan Anh

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) 

 

"Từ những chuyến đi học tập ở nước ngoài, trong đó có nước Úc xa xôi, khi nhìn thấy người khuyết tật được đối xử như những người bình thường ở trong xã hội thì mình cũng có những mơ ước như vậy." 

 

Câu chuyện của Nguyễn Thị Lan Anh là câu chuyện về một người với nghị lực và ý chí phi thường để vượt qua thử thách của số phận, tỏa sáng trong cuộc sống và đem lại những thay đổi cho xã hội. Mắc chứng bệnh xương thủy tinh từ khi sinh ra và phải ngồi xe lăn, nhưng với nghị lực và ý chí mạnh mẽ, chị không chỉ tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, mà còn giành học bổng của Chính phủ Australia đi du học về chính sách công. 

Năm 2011 Lan Anh thành lập ACDC - Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng, sau này đổi tên thành Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng. 

Chị đã nắm vai trò tiên phong trong việc tạo nên một xã hội không rào cản với người khuyết tật. 

Lan Anh cho biết, chính những kinh nghiệm và kiến thức có được trong thời gian sống và học tập tại Australia, cũng như qua quá trình làm việc trong các dự án với Australia và  các đối tác nước ngoài khác, chị càng muốn thúc đẩy một cách tiếp cận hoàn toàn mới về người khuyết tật tại Việt Nam. “Tôi thấy rằng ở Australia người ta tạo điều kiện cho người khuyết tật có thể đi học, đi làm như những người khác trong cộng đồng, có thể đóng góp cho xã hội một cách bình thường” - chị Lan Anh nói. 

Vượt qua rất nhiều sự hoài nghi ban đầu, Lan Anh và ACDC đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của xã hội về người khuyết tật. Thay vì nghĩ về người khuyết tật dựa trên lòng thương hại và sự từ thiện, cách tiếp cận mới là dựa vào quyền và khả năng của người khuyết tật, để xã hội thấy rằng người khuyết tật cần được  tôn trọng, được hòa nhập và đóng góp. 

Chính phủ Australia đã hỗ trợ để ACDC thực hiện dự án kết nối và nâng cao năng lực cho các tổ chức của người khuyết tật ở Việt Nam. “Điều tôi tự hào nhất chính là kết nối được mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật khắp cả nước, họ được tập huấn nâng cao năng lực, được hỗ trợ để cất lên tiếng nói được cộng đồng lắng nghe và ghi nhận. Đó là thành quả không dễ đạt được trong thời điểm những năm trước” - Lan Anh cho biết. 

Một dự án khác mà ACDC thực hiện cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Australia là giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật ở Cao Bằng, Bắc Kạn, giúp cho địa phương, các thầy cô giáo cũng như gia đình hiểu cách hỗ trợ trẻ khuyết tật đi học, và nhờ đó các gia đình có được tầm nhìn về tương lai của con em họ. 

Lan Anh còn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về người khuyết tật qua việc hỗ trợ Đại sứ quán Australia đào tạo các tổ chức đối tác được Chính phủ Australia trợ cấp, để họ hiểu rõ hơn về vấn đề hòa nhập của người khuyết tật, trước khi các tổ chức này triển khai dự án ở Việt Nam. 

Mạng lưới cựu du học sinh Australia là nguồn lực rất quý giá. Qua mạng lưới này, Lan Anh tìm được các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực chị đang làm việc như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển văn hóa xã hội… cho các dự án, hội thảo và sự kiện. Thêm vào đó, các cựu sinh viên nắm giữ các vị trí quan trọng hay đang làm trong các cơ quan nhà nước, khi hiểu về các vấn đề của người khuyết tật, cũng rất hỗ trợ cho công việc của Lan Anh và ACDC. 

“Nếu nói về quan hệ Việt Nam -Australia, tôi nghĩ ngay đến  hợp tác và phát triển” - Lan Anh chia sẻ. “Nhờ những khoá học, nhờ sự giao tiếp, và hỗ trợ từ cả hai chính phủ, mà những người nhỏ bé như chúng tôi thấy mình có ý nghĩa hơn. Từ đó dẫn đến sự phát triển của mạng lưới kết nối cộng đồng người khuyết tật ở Việt Nam, để họ được đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.”