Đại sứ quán Australia
Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê - Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn TMA Tech Group

 

Nguyễn Hữu Lệ

Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn TMA Tech Group

 

"Tôi muốn trở thành cầu nối để liên kết nguồn nhân lực của Việt Nam với các công ty công nghệ ở Úc. Đây là điều mà tôi tự hào nhất."

Cuộc đời của tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ  gắn bó với cả hai quê hương, một là Việt Nam và hai là nước Úc - nơi ông theo học từ năm 18 tuổi.

Tiến sĩ Lệ sinh năm 1949 tại Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Được trao học bổng Colombo Plan, ông sang Úc du học năm 1967, làm việc trong ngành viễn thông, trở thành công dân Úc và dành nhiều năm sau đó làm việc ở cả Canada, Anh, Nhật, và rồi trở về Việt Nam gây dựng công ty phần mềm TMA. Năm 1992, ông tình nguyện làm giám đốc tiếp thị cho một tập đoàn Canada đang mong muốn mở rộng thị trường Việt Nam. Chính quyết định này giúp ông thực hiện được khát vọng bấy lâu: trở lại Việt Nam, góp phần phát huy nguồn tài nguyên chất xám sẵn có trong nước.

Không phải ngẫu nhiên mà có rất nhiều tờ báo ở Việt Nam đã viết về Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ. Ông Lệ nổi lên với vai trò là người sáng lập và đưa TMA trở thành một trong những công ty phát triển phần mềm lớn nhất Việt Nam. Hiện giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị TMA Technology Group, ông tiếp tục ghi danh qua việc thành lập Công viên Sáng tạo TMA ngay tại quê nhà Bình Định của mình.

Tiến sỹ Lệ coi việc Úc là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (từ năm 1973) chính là điều may mắn mà một người mang song tịch Úc-Việt như ông có được, bởi qua đó, ông có thể thuận lợi khai thác tiềm năng ở cả hai nơi để tạo nên được một TMA như hiện nay.

Một trong những dự án mà TMA đã triển khai là phát triển phần mềm cho tập đoàn Dairy Australia, một công nghệmà hiện nay đã được sử dụng cho cả thị trường Hoa Kỳ. Một dự án khác liên quan đến một công ty start-up ở Melbourne với dự ánphát triển sản phẩm kết nối người dân với bệnh viện và cảnh sát để có thể huy động sự hỗ trợ kịp thời. Do start-up không đủ nguồn nhân lực để phát triển phần mềm nhanh như kỳ vọng nên TMA đã được thuê để thực hiện dự án. Tiến sĩ Lệ nêu những ví dụ này để minh họa cho một đặc điểm nữa mà ông thấy rất rõ nét trong quan hệ song phương Úc-Việt, đó chính là sự cộng hưởng (“synergy”) thực sự dựa trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Sau 26 năm phát triển TMA, tiến sĩ Nguyễn Hữu Lệ hiện bớt đi công việc quản lý trực tiếp mà dành nhiều thời gian để hoạch định chiến lược phát triển tương lai cho công ty. “Con người mà làm được việc, làm được cái hữu ích thì là sung sướng cho mình rồi còn gì nữa, cho nên ngày nào mà còn làm được việc hữu ích là vui rồi.”, ông nói.

Bình luận về kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Úc, ông nhận định: “50 năm này như cái mốc cho cả hai quốc gia mà tôi gọi là quê hương (my home country). Tôi hy vọng là 25-50 năm tới, quan hệ hai nước còn phát triển mạnh hơn nữa!”